Đừng để người dân làm du lịch... một mình
Kinh tế - Ngày đăng : 05:21, 05/05/2023
Những ngôi sao đợi ngày tỏa sáng
Từ một chỗ đã có “thương hiệu” là đồi cát trắng ven đường 716, giờ khu vực Hòa Thắng – Phan Rí Cửa có thêm mấy điểm dừng chân mới do hiệu ứng “vết dầu loang” từ đồi cát vừa nhắc đến.
Từng giữ cương vị trưởng bộ phận ở một công ty nước ngoài tại Đồng Nai với thâm niên 10 năm, Nguyễn Văn Phúc nghỉ việc, đưa gia đình 3 thành viên của mình về quê vợ “làm lại từ đầu”. Cứ 15g chiều, Phúc từ nơi ở (xã Hòa Phú cũ) lên con dốc, nơi giáp ranh Tuy Phong, Bắc Bình giới thiệu ở trên, bày biện các thứ ra đón khách. Chục cái bàn, ghế, dù xinh xắn, gọn nhẹ cùng tấm biển ghi đơn giản nhưng chỉn chu “STYLE Coffee & Tea”. Cà phê, nước ép, trà các loại hương vị như bất cứ một tiệm nước nào ở khu vực đô thị; giá không quá 20.000 đồng/ly. Lý thú nhất khi khách đến đây là vừa nhâm nhi hay giải khát vừa phóng tầm mắt ra mà giới hạn là… tận chân trời. Trong tầm mắt “vô cực” đó, khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp mới là thung lũng đồi cát đỏ được phủ một màu xanh thẳm của cây lá ngay dưới chân mình, xa hơn chút là mênh mông biển trời. “Mùa đông, tôi kiếm được không dưới 300.000 đồng/ngày; mùa hè thì cao hơn nhiều”, Phúc phấn khởi và thổ lộ: “Ở đây có vị trí rất lạ, hay lại nằm ngay trên “con đường du lịch” nên tôi quyết định chọn để “làm lại từ đầu”.
Hiện chỗ Phúc làm dịch vụ còn có 2 điểm tương tự. Chiều hè, nếu du khách từ Mũi Né ra, qua khỏi dãy đồi cát trắng phau, đổ con dốc dài, bên trái xuất hiện hàng trụ điện gió, bên phải nhìn thấy biển xanh, mây trắng, lòng không cưỡng nổi, muốn dừng lại, đó là nơi của các bạn trẻ chọn khởi nghiệp, có khi không còn chỗ để thỏa thích thư thả chiêm nghiệm hương vị đất trời…
Những năm 70 - 80, tết, hè – những dịp lớn nhất để đi chơi, điểm đến của người ở phía bắc Bình Thuận luôn là Gành Son (Chí Công). Quãng thời gian đó, gành đúng nghĩa son như chính cái tên mà tiền nhân đã đặt khởi phát từ màu sắc ngoại hình. Vẻ đẹp của Gành Son vươn ra thế giới khi được giới mỹ thuật quốc tế thừa nhận qua các tác phẩm của không ít nhiếp ảnh gia.
Ngày ngày xuôi ngược làm dịch vụ vật liệu xây dựng khu vực ven biển huyện Tuy Phong, mỗi khi mệt nhoài tìm giây phút “xả hơi”, Lê Hữu Trí thường “ngả lưng bên đường cong mịn màng” của cung Gành Son - Gành Rái. Sau những lần “đắm mình”, trong anh bật lên thôi thúc mở điểm cà phê để “dụ” khách… lượm rác. Làm dịch vụ ăn uống giữ vệ sinh đã khó đằng này lại “gánh sứ mệnh” làm sạch cả một điểm đến vang danh, liệu có ngược đời và điên rồ? “Không thể cứ gặm nhấm hay tiếc rẻ hào quang của quá khứ. Chấp nhận thực tế tìm cách chung tay nỗ lực làm sạch phần nào còn lại của Gành Son và ráng giữ khu vực này, đó là tâm niệm của tôi”, Hữu Trí quả quyết. BETRIS – Coffee & Milk Tea của Trí ra đời thu hút giới trẻ, nhất là độ tuổi sinh từ năm 2000 về sau. Điều đặc biệt thú vị là tới đây, khách không chỉ được khuyên giữ vệ sinh khu vực dịch vụ mà hơn thế là “bạn hãy cùng chúng tôi lượm rác xunh quanh khu vực này bỏ vào 2 cái giỏ để sẵn đây nhé!”.
Làm sạch rác trên bước đường đầy rác, Trí không đơn độc mà có đến 10 bạn trẻ đồng hành. Định kỳ, các anh luôn đưa ra những thông điệp mới trên các tấm bảng biểu được thiết kế chỉn chu. “Mắt thấy rác rơi/ Tay ơi, nhớ nhặt!” là một trong những lời khuyên siêu dễ thương mà nhóm giương ra. “Vì Gành Son thân yêu” là chí hướng chung của các bạn trẻ. Đinh Xuân Tiên, nhân viên một công ty năng lượng, thành viên của nhóm chia sẻ: “Chúng tôi mong sao việc làm của mình đánh thức và lan tỏa được nhiều người để Gành Son có lại danh tiếng của nó. Từ đó cũng là cơ hội cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp dịch vụ du lịch ngay chính quê hương mình”.
Thuộc từng đồi cát, rõ từng cánh rừng, từng loại cây rừng, “hiểu” cả những ngọn gió ở quê hương nên sau bao nhiêu năm xa nhà làm dịch vụ, Nguyễn Hữu Sang quyết định trở về nơi mình sinh ra để khởi nghiệp. Với vốn đất gần những điểm đến đã định hình ở Hòa Thắng, Sang ấp ủ tạo một trang trại mà khi đến, du khách được chính anh và người thân đưa đi trải nghiệm những khu rừng với hệ thống cây bản địa cuốn hút không thua các cánh rừng sinh thái ở châu Phi bằng phương tiện do anh biến tấu để có ngoại hình hoang dã lạ lẫm, bắt mắt. Đến bữa, du khách có thể thưởng thức những món ăn tươi từ biển, từ con dông được chế biến cùng các loại thảo dược độc lạ ở vùng này như trái ma dương giòn giòn chua chua ngọt ngọt, khế rừng, cam đường, táo xe… Từng làm dịch vụ đưa đón, Hữu Sang chứng kiến nhiều nhóm khách trẻ bay từ Hà Nội đến Nha Trang rồi chuyển sang xe tour vào Hòa Thắng chỉ để chụp vài tấm ảnh trên đồi cát, bên cánh đồng điện gió rồi quay trở về. “Tôi nhận ra, Hòa Thắng rất cuốn hút khách phía bắc. Trong khi đó, họ chỉ đến chụp vài bức ảnh mà chưa kịp hưởng thụ thêm những gì nơi đây có thể có. Nên tôi nghĩ tới việc làm trang trại với hy vọng, họ đến đây nhiều người và nhiều ngày hơn”, Hữu Sang không chút e dè.
Những ngày này, trời biển Phú Quý trong xanh như ngọc bích. Từng nhóm, đoàn khách tấp nập lên tàu cao tốc ra đảo. Để có được hình ảnh như vậy, không thể phủ nhận sự nỗ lực, kiên trì quảng bá quê hương trên các nền tảng mạng xã hội của những bạn trẻ ở đây đã đưa hòn đảo yêu thương của họ đến “từng nhà, từng người”. Thiết kế các điểm tại nơi có cảnh quan đặc biệt, mua sắm “đạo cụ” như trang phục, xe máy thời trang tuổi mới lớn, những chiếc ván lướt sóng, thuyền bằng nhựa trong suốt để khách tận hưởng san hô quanh các rạn, các “nhà đầu tư du lịch nhỏ” giúp du khách có được những bức ảnh kỷ niệm độc đáo cho riêng mình.
Dưới tác động tích cực của các nền tảng công nghệ thông tin như cách nhiều người hay nói “thế giới phẳng”, cùng với hiểu biết, niềm tự hào quê hương, năng động trong “làm ăn”, tiếp nối truyền thống ham tiếp thu cái mới, người trẻ Phú Quý thành lập cả một doanh nghiệp kinh tế tập thể mang tên Hợp tác xã Du lịch Đảo Phú Quý với 7 thành viên có vốn điều lệ gần 2 tỷ đồng. Dịch vụ khép kín nhu cầu của một tour du lịch biển đảo. “Chúng tôi muốn tạo nền tảng vững chắc, đó là sự đoàn kết cùng hướng đến tính chuyên nghiệp trong dịch vụ du lịch, tạo đà cho các bạn trẻ nối tiếp”, Nguyễn Văn Linh, Phó Giám đốc HTX Du lịch Đảo Phú Quý tự tin cho hay.
Lãng quên?
Các vùng biển ở Bình Thuận, có nhiều và luôn xuất hiện những bạn trẻ thích khám phá, biết rõ giá trị nơi mình sống, kết nối xây dựng ý tưởng và mạnh dạn hành động. Đáng chú ý, họ nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, thị hiếu của giới trẻ và tìm cách đáp ứng, đồng thời khai thác ưu thế của mạng xã hội làm công cụ truyền thông rất hiệu quả. Những cá nhân, nhóm bạn hoạt động dịch vụ du lịch có các trang thông tin với hàng chục, hàng trăm ngàn lượt theo dõi các sản phẩm “người thật, việc thật”. Thực tế đó, ngành chức năng không thể xem nhẹ.
Theo các chuyên gia, người dân địa phương là thành tố quan trọng không thể thiếu trong phát triển du lịch ở địa phương. Du lịch Bình Thuận cần các nhà đầu tư các dự án lớn nhưng cũng không thể bỏ qua hay thờ ơ với những dự án mang tính cộng đồng tại địa phương cho dù dự án chỉ là một điểm cà phê chụp ảnh “tự sướng” hay một điểm dịch vụ ẩm thực hải sản theo phong cách BBQ – quán nướng ven đường. Người địa phương làm du lịch là tất yếu. Lợi thế lớn nhất của họ chính là vốn văn hóa trong chính con người họ, trong mối quan hệ tổng hòa ở cộng đồng dân cư. Mà mỗi cộng đồng được hun đúc lối sống từ bao đời với những sắc thái đặc trưng mang tính vùng miền. Du khách đến không chỉ thưởng thức đặc sản đơn thuần mà trong đó trải nghiệm cả lối sống, nét văn hóa được thấm đẫm bao đời của người dân địa phương. Thưởng thức món mực nướng ở Bình Thuận sẽ khác ở Vũng Tàu, Phú Quốc hay Nha Trang. Cái sự khác không chỉ đến từ “vị trí địa lý” con mực của vùng khai thác mà trong đó còn có cả “hình ảnh, câu chuyện” của người đánh bắt, người chế biến và cả người phục vụ… Coi trọng tầm quan trọng của cộng đồng dân cư làm du lịch, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VH – TT – DL Bình Thuận cho rằng, có như vậy, du lịch Bình Thuận mới phát triển bền vững như Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 24/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận về phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Nói thì dễ, làm mới cần thiết. Ông Bùi Thế Nhân khẳng định: “Để có tính chuyên nghiệp trong làm dịch vụ, để đủ sức cạnh tranh vì “mình làm người khác cũng làm” thì cơ quan chủ quản về văn hóa, du lịch phải thật sự đồng hành cùng cộng đồng. Trước mắt là hỗ trợ họ, đào tạo họ để tiến đến chuyên nghiệp trong dịch vụ tránh tình trạng thiếu tính tổ chức, mạnh ai nấy làm, thu lợi nhuận bằng mọi giá như đã từng xảy ra”.
Tác động của suy giảm kinh tế hậu Covid-19 làm cho nguồn lao động dịch chuyển đáng kể, các lĩnh vực, “các trụ cột” kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ. Và đây cũng chính là thời điểm nảy nở những cơ hội được phôi thai từ trong khốn khó. Một trang mới của du lịch Bình Thuận đang chờ những thành quả mới được ghi vào từ chính những người dân địa phương làm du lịch, nếu như, họ không bị… lãng quên.