Phụ nữ với sở hữu trí tuệ, chìa khóa thành công
Kinh tế - Ngày đăng : 05:35, 09/05/2023
Nhiều sáng kiến chế biến nông sản của nữ giới
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) cho biết: “Ở tỉnh ta, phụ nữ đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực KH-CN, sở hữu trí tuệ (SHTT), thúc đẩy đổi mới sáng tạo; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập. Trong số đó, nhiều người đã tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH-CN, SHTT, ứng dụng các mô hình, sáng kiến kỹ thuật, tăng giá trị sản phẩm”. Điển hình như Trần Thị Kim Lĩnh (thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc), nữ thanh niên khởi nghiệp với mong muốn giải cứu thanh long cho bà con nông dân. Trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, Kim Lĩnh đã tìm tòi, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm khác nhau được chế biến từ trái thanh long (nước ép, mứt, kẹo, siro…), mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Năm vừa qua, Kim Lĩnh là 1 trong 57 thanh niên tiêu biểu trong toàn quốc được vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2022, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Trong khi đó, chị Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà, xuất phát điểm giáo viên nhưng rồi lại yêu thích chế biến những trái thanh long màu đỏ tươi quê nhà, chuyển sang kinh doanh. Chị đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu đầu tư công nghệ chế biến dòng sản phẩm thiên về sức khỏe cộng đồng, là sản phẩm nước cốt thanh long đỏ lên men Prosperous. Chị Nguyên Hà đã thực hiện đăng ký 2 sáng chế độc quyền công thức trong chế biến trái thanh long: Phương pháp sản xuất nước cốt thanh long lên men có/không bổ sung tinh dầu thảo dược; Phương pháp sản xuất bột hạt thanh long để làm thực phẩm chức năng. Nhiều sản phẩm Công ty Phúc Hà đạt các chứng nhận: Sản phẩm nông nghiệp uy tín chất lượng cao Việt Nam; giải thưởng sản phẩm uy tín, chất lượng, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng; chứng nhận OCOP 4 sao… Họ là điển hình trong những tấm gương sáng về thúc đẩy đổi mới và sáng tạo của phụ nữ tỉnh nhà.
Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo
Trong tọa đàm “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - thúc đẩy đổi mới sáng tạo” do Sở KH-CN tổ chức mới đây, TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Làng Ecotech – Techfest quốc gia chia sẻ: “Người làm nghiên cứu khoa học chịu nhiều vất vả, đặc biệt càng trở nên thách thức với phụ nữ; khi họ gánh trên vai trách nhiệm “làm mẹ, làm vợ”, đảm trách việc nhà, nhưng vẫn phải dành thời gian cho công việc nghiên cứu, khó khăn đối với họ tăng gấp đôi. Họ cần được sẻ chia, ủng hộ từ người chồng, gia đình, kể cả đồng nghiệp, cấp trên, thì phụ nữ mới hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học”.
Theo số liệu thống kê của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia vào năm 2019, có khoảng 46% trong tổng số nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là nữ giới. Các nữ trí thức có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước thông qua các công trình khoa học về lý thuyết, ứng dụng thực tế trên nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội. Nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến khoa học do các nhà khoa học nữ đưa ra đã mang lại giá trị kinh tế lớn cho đất nước. Điều này cho thấy nữ trí thức ngày càng có vai trò quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp, có nhiều công trình nghiên cứu, sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Phó Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Hoài Trung cho biết thêm: “Sở KH-CN tiếp tục phát huy việc khơi dậy khát vọng tinh thần sáng tạo của phụ nữ tỉnh nhà, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức vai trò SHTT cho công chúng nói chung, phụ nữ nói riêng. Đồng thời, Sở KH-CN đề xuất UBND tỉnh các giải pháp phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, xác lập quyền SHTT với những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm uy tín; hỗ trợ các sáng chế của nữ giới trong quảng bá, hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết doanh nghiệp để khai thác, phát triển giá trị tài sản trí tuệ”.