Gỡ “thẻ vàng” thủy sản: Nếu quyết tâm sẽ làm được
Kinh tế - Ngày đăng : 05:43, 10/05/2023
Vẫn còn nhiều tồn tại
Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, ngành thủy sản đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo sâu sát các ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tìm cách tháo gỡ “thẻ vàng” EC. Những khuyến nghị của thanh tra EC sau 3 đợt kiểm tra đã được tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, Bình Thuận đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ tàu cá của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá địa phương khác không đủ các điều kiện theo quy định vẫn ra vào cảng xuất nhập bến tại địa phương; không để các tàu cá này tham gia hoạt động khai thác dẫn đến vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tỷ lệ tàu trên 15 mét lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đến nay đã đạt 99,4%. Công tác cấp xác nhận, chứng nhận thủy sản phục vụ truy xuất nguồn gốc đúng quy định. Bên cạnh đó, tỉnh đã thành lập Trung tâm Giám sát tàu cá để quản lý, theo dõi đội tàu, ngăn chặn những tàu cá vượt ranh giới cho phép cũng như kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm của tàu cá hoạt động trên biển…
Sau hơn 5 năm triển khai các giải pháp chống khai thác IUU và qua 3 đợt thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra EC, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực được phía EC ghi nhận. Những kết quả đó cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, xét về tổng thể vẫn còn nhiều tồn tại bất cập, thiếu sót, như: Chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS); thực thi pháp luật xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU còn yếu kém, thiếu đồng bộ, thống nhất; công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác đối với các lô hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu chưa đảm bảo theo quy định, có hiện tượng hợp thức hóa hồ sơ bất hợp pháp đã bị phía EC phát hiện tại đợt thanh tra lần thứ 3… Đặc biệt, nhiều địa phương tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, trong đó có Bình Thuận. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình tỉnh Bình Thuận cùng với 3 tỉnh khác (Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang) còn để tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị có liên quan. Qua đó cho thấy, việc chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được các cấp, các ngành quan tâm và nỗ lực thực hiện. Nếu không gỡ được “thẻ vàng”, không chỉ đời sống của ngư dân ven biển bị ảnh hưởng, mà kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ tiếp tục giảm, ước tính thiệt hại 480 triệu USD/năm. Ngoài ra, ngành thủy sản nuôi trồng cũng gián tiếp bị ảnh hưởng.
Lên kịch bản chi tiết đón Đoàn Thanh tra EC
Theo kế hoạch, Đoàn thanh tra EC sẽ làm việc với các tỉnh gồm nội dung: Làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống IUU tỉnh, sau đó sẽ đi kiểm tra thực tế tại cảng cá, làm việc với Văn phòng kiểm tra, thanh tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, EC sẽ kiểm tra những doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Vì thế, trong văn bản hỏa tốc thực hiện công điện khẩn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm ngư, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá phối hợp lực lượng Biên phòng vùng biển kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, tàu cá ra vào cảng, tàu cá hoạt động trên biển; đảm bảo 100% tàu cá cập cảng chỉ định, giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác qua cảng cá tại địa phương. Tuân thủ quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản; có sự kiểm tra đối chiếu với dữ liệu giám sát tàu cá (VMS), thống nhất số liệu kiểm soát tàu cá giữa lực lượng Biên phòng và các cảng cá trong tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản phối hợp cơ quan chức năng (Công an, Thanh tra Thủy sản) khẩn trương tổ chức đợt kiểm tra, làm việc tại các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu thủy sản khai thác sang thị trường châu Âu, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc thủy sản khai thác theo chuỗi và thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Trường hợp qua kiểm tra, phát hiện tổ chức (doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản), cá nhân cố ý vi phạm quy định về IUU, hợp thức hóa hồ sơ để xuất khẩu các lô hàng thủy sản vào thị trường châu Âu thì phải xử lý nghiêm theo quy định.
Ngoài ra, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh, phối hợp các sở, ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, kịch bản chi tiết đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EC tại địa phương với tinh thần chủ động cao nhất. Kịp thời chấn chỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, không tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên gây ảnh hưởng đến nỗ lực của tỉnh và cả nước trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.