Keo lai rớt giá, người trồng thấp thỏm
Kinh tế - Ngày đăng : 05:32, 11/05/2023
Khoảng trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều tuyến đường bê tông xi măng ở vùng nông thôn Hàm Tân, TX. La Gi, cảnh xe máy cày kéo theo rờ mooc chuyên chở gỗ keo lóc vỏ từ rừng trồng về cho các chủ vựa khá nhộn nhịp. Còn bây giờ cảnh ấy rất hiếm gặp. Giá keo lóc vỏ xuống thấp, chủ vựa dửng dưng, cảnh ảm đạm cũng dễ hiểu.
Anh Hoàng Long, thôn 4, Sơn Mỹ, Hàm Tân có kinh nghiệm trồng keo lai nhiều năm nay. Gia đình khá giả cũng nhờ các đợt khai thác rừng trồng đến tuổi. Anh cho hay: “Tôi đang sở hữu 3 ha keo lai 4 năm tuổi đến kỳ khai thác, được các chủ vựa trong vùng chào giá 450 triệu đồng vào cuối năm trước; tính ra 150 triệu đồng/ha. Lúc ấy giá keo đang lên tôi nghĩ từ từ bán cũng được. Ai ngờ sau tết đến giờ giá giảm dần, vài chủ vựa chỉ còn chào giá 250 triệu đồng, hơn 75 triệu đồng/ha. Tôi điện thoại lại họ nói không có nơi tiêu thụ, không mua nữa. Bây giờ chỉ biết để vậy, chăm sóc vườn cây, mong giá ổn định lại thôi”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thanh, thôn Suối Bang, xã Thắng Hải, Hàm Tân chăm sóc cẩn thận 2 ha keo giâm hom mấy năm nay, tỉa cành khép tán vào mùa khô phòng cháy, cây tốt tươi, thân to. Tuy giá xuống thấp, ông đang dự định bán vườn keo trang trải đời sống gia đình, nhưng hơn tháng nay ông điện thoại cho mấy vựa họ trả lời đầu ra đang khó khăn, cũng chẳng vào xem vườn cây. Tình cảnh ảm đạm những vườn keo lai 4 - 5 năm tuổi vào kỳ khai thác của khá nhiều hộ gia đình ở Hàm Tân, TX. La Gi vài tháng trở lại đây không phải là hiếm. Cũng có nhiều chủ vườn thấy giá keo xuống thấp, họ không bán, chăm sóc, chờ giá. Một số người trồng keo ở Hàm Tân cho hay, với giá keo như hiện nay, người dân chỉ hòa vốn hoặc lãi thấp, ảnh hưởng đến đời sống hộ trồng rừng.
Được biết, 3 tháng đầu năm nay, huyện Hàm Tân khai thác gỗ từ rừng trồng được 633 ha, tổng sản lượng gỗ hơn 67.000 m3; chủ yếu của các công ty, xí nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn, rừng trồng nhỏ lẻ của các hộ dân khó tiêu thụ hơn.
Những năm qua, phong trào trồng rừng kinh tế trong nhân dân ở Hàm Tân phát triển mạnh, không chỉ các xã đất màu nằm 2 bên quốc lộ (1A, 55) ngang qua địa bàn, mà các xã đất bạc màu, đất pha cát ven biển, nông dân cũng chú trọng trồng rừng. Chính vì vậy diện tích trồng keo của huyện ngày càng lớn. Trong khi sản lượng keo trên địa bàn được thu mua chủ yếu từ các tiểu thương làm đầu mối cho một số ít doanh nghiệp ở Biên Hòa (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) chế biến giấy, bao bì chứa gỗ, dăm gỗ xuất khẩu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu; nhất là ảnh hưởng hậu Covid-19, kinh tế thế giới trì trệ, việc xuất khẩu dăm gỗ của các doanh nghiệp gặp khó khăn, gỗ keo mất giá. Mặt khác, thị trường trên thế giới đang hướng đến chất lượng sản phẩm gỗ rừng trồng.
Huyện Hàm Tân đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, xây dựng nhà máy chế biến keo nguyên liệu tại địa phương để nâng cao hiệu quả, giúp người dân an tâm trồng rừng. Huyện cũng hướng các hộ dân trồng rừng keo gỗ lớn gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, chứng chỉ FSC để thông thoáng đầu ra.