Chuyển biến từ cuộc vận động người dân không xả rác

Đời sống - Ngày đăng : 05:47, 11/05/2023

TP. Phan Thiết đã giảm đáng kể các điểm phát sinh rác thải, giải quyết những bức xúc, điểm nóng về vệ sinh môi trường và tạo chuyển biến ý thức người dân tham gia thu gom rác hẻm nhỏ…

Từ cuộc vận động… đi vào cuộc sống

Để tạo được sự chuyển biến như ngày hôm nay là kết quả của việc thực hiện Chỉ thị 31, ngày 9/7/2020 Thành ủy Phan Thiết. Để cụ thể hóa, ngay sau đó, UBND TP. Phan Thiết đã ban hành Kế hoạch 6050 triển khai Cuộc vận động: “Người dân Phan Thiết không xả thải, nước thải, chất thải ra đường phố và khu vực công cộng” (Cuộc vận động). Tiếp theo đó là Thông báo 570 nghiêm cấm xả rác, đổ rác thải không đúng nơi quy định trong toàn thành phố; yêu cầu tất cả các phường, xã triển khai đến các hộ kinh doanh, người dân biết và thực hiện ký cam kết.

Tuyên truyền người dân thực hiện cuộc vận động ở phường Hưng Long.

Qua 2,5 năm thực hiện Cuộc vận động đã góp phần giải quyết nhiều điểm bức xúc, điểm nóng về môi trường trên địa bàn thành phố. Ở mỗi phường, xã đều có kế hoạch cụ thể thực hiện và tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức: loa truyền thanh, phát tờ rơi, ra quân diễu hành… Đồng thời, tổ chức cho các hộ dân, hộ kinh doanh thực hiện ký cam kết, đến nay đã có 68.436 hộ dân ký cam kết. Cùng với đó, ở các phường xã đều thiết lập đường dây nóng hoặc ứng dụng công nghệ như Facebook, zalo, mail... để người dân biết và phản ánh kịp thời khi phát hiện các trường hợp xả rác không đúng nơi quy định. TP. Phan Thiết đã thành lập Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC), trong đó triển khai thí điểm Hệ thống Phản ánh hiện trường trên nền tảng điện thoại dùng hệ điều hành Android, IOS cho người dân (Phan Thiết-S). Hiện ứng dụng Phan Thiết-S đang được người dân thành phố sử dụng để phản ánh về mọi mặt đời sống - xã hội đến chính quyền thành phố. Riêng về lĩnh vực vệ sinh môi trường, đã xử lý 69 phản ánh và đang tiếp tục xử lý 7 phản ánh.

Ra quân xóa điểm rác bờ kè trên đường Phạm Văn Đồng trước Tết Nguyên đán 2023.

Tuyên truyền đi đôi xử phạt

Góp phần làm nên kết quả tích cực Cuộc vận động cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân là tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm. Đã có 11/18 phường, xã lập 30 chốt cố định và các chốt di động canh trực, lắp đặt 144 camera gồm 74 camera an ninh (ở phường Hàm Tiến, Xuân An và xã Phong Nẫm) và 70 camera giám sát các khu vực, tuyến đường có phát sinh rác phát hiện, xử lý vi phạm người dân. Các xã, phường thành lập Tổ kiểm tra, xử lý về môi trường. Cụ thể, tiến hành xử phạt hành chính 13 trường hợp vi phạm với số tiền trên 10 triệu đồng, lập biên bản nhắc nhở 15 trường hợp. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra xử lý về môi trường của thành phố cũng thường xuyên kiểm tra các tổ chức, hộ gia đình kinh doanh đã xử phạt 35 trường hợp gồm 20 tổ chức, 14 cá nhân với các hành vi xả thải ra môi trường vượt chuẩn cho phép với số tiền 300,6 triệu đồng…

Lãnh đạo TP. Phan Thiết cùng người dân dọn rác .

Bên cạnh sự chuyển biến tích cực từ khi thực hiện cuộc vận động, theo đánh giá của ông Phan Nguyễn Hoàng Tân – Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết hiện vẫn còn một số khó khăn, băn khoăn: Một số địa phương dân cư đông đúc nên công tác vệ sinh môi trường vẫn còn chưa bảo đảm. Ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường xả rác vào ban đêm, sáng sớm tại các khu vực vắng, xa khu dân cư và không có camera giám sát, thiếu lực lượng canh trực nên việc phát hiện, xử phạt còn gặp nhiều khó khăn. Thành phố chú trọng chỉ đạo triển khai thu gom, xử lý rác thải nhất là rác thải sinh hoạt đô thị. Đây cũng là vấn đề nóng cấp thiết trên địa bàn thành phố rất cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để từng bước tạo môi trường sống an toàn cho cộng đồng, xây dựng cảnh quan thành phố xanh - sạch - đẹp…

Từ khi triển khai có 111 điểm rác, các địa phương ra quân tổng vệ sinh hiện chỉ còn 3 điểm (điểm hẹn rác trên đường Lê Duẩn, ngay quán Hồ Tôm trên đường Hùng Vương, ngã tư Lê Quang Đạo - Nguyễn Thị Định) đang được các địa phương có liên quan tiếp tục xử lý dứt điểm. Các phường, xã thường xuyên phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận thực hiện tổng vệ sinh hàng tuần theo khối lượng giao khoán 10 chuyến/tuần. Đến nay, đã thực hiện tổng vệ sinh với khối lượng rác xà bần, vật dụng sinh hoạt, chà cây… gần 2,2 triệu tấn. Mở rộng địa bàn thu gom rác hẻm, tăng số hộ tham gia đóng phí vệ sinh...

T.Duyên