Những bước chuyển đến an sinh
Xã hội - Ngày đăng : 05:45, 12/05/2023
Như đã đến nước rút
Mấy tháng qua, thanh long có giá trở lại, dù lúc này lúc kia, dù vườn này trúng, vườn kia không nhưng nhìn chung, các dịch vụ liên quan đến cây trồng này đều “thức dậy” ở Hàm Thuận Nam. Vì vậy, nhiều công việc cần lao động đã mở ra. Điều đó góp phần quyết định cho 71 hộ vừa thoát nghèo năm ngoái của huyện trụ vững và thêm 1 hộ nghèo ở Tân Lập thoát nghèo. Đồng thời cũng hứa hẹn cho kế hoạch thoát nghèo của 80 hộ khác và thoát cận nghèo của 104 hộ ở các xã, thị trấn cận nghèo trong năm 2023 này. Năm mà Hàm Thuận Nam chính thức tròn 40 năm tính từ ngày thành lập huyện. Lúc ấy, Hàm Thuận Nam chưa có vùng chuyên canh thanh long, chưa hình thành các khu công nghiệp Hàm Kiệm 1, Hàm Kiệm 2; chưa có vùng phát triển du lịch ven biển như hiện giờ nên là huyện nghèo, với số hộ nghèo chiếm đa số. Từ đó đến nay, trên nền tảng phát triển kinh tế - xã hội chung và thông qua việc thực hiện tốt các dự án, chính sách giảm nghèo cùng sự nỗ lực vươn lên của nhân dân, hàng năm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đều giảm đạt chỉ tiêu đề ra. Theo thời gian có thể khẳng định các dự án, chính sách giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả ở Hàm Thuận Nam như chương trình tín dụng ưu đãi hộ nghèo gắn với hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; thực hiện đảm bảo các chính sách về y tế, giáo dục, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... Từ đó, người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mặc dù chuẩn nghèo theo từng giai đoạn đã nâng lên nhiều lần, nhưng tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cũng đã giảm từ 13,47% của năm 2001 xuống còn 2,5% của năm 2022, bất chấp những trở ngại đã thành “bệnh” như không ít người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bệnh đó còn hiện diện đến thời điểm này, bằng chứng với 2,5% tương ứng với 772 hộ nghèo thì 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là Mỹ Thạnh và Hàm Cần chiếm hơn 400 hộ, số còn lại rải rác ở các xã, thị trấn trong huyện.
Theo lãnh đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hàm Thuận Nam, nếu áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020 thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2021 là 1,17%; năm 2022 là 1,05% nên dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, do áp dụng chuẩn nghèo mới của giai đoạn 2021 - 2025 nên cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 2,5%, đã đặt ra nhiều áp lực hơn cho kết quả năm 2025, nhất là khi phần lớn của con số ấy nằm ở 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể thấy hành trình giảm nghèo của Hàm Thuận Nam đến thời điểm này tương tự như nước rút, với những trở ngại cuối cùng cũng là mấu chốt của bản chất thoát nghèo. Đó là phải khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo. Vì vậy, với hàng loạt dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đang triển khai trên địa bàn 2 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hàm Cần, Mỹ Thạnh, với Hàm Thuận Nam là một phép toán đặc biệt. Vì đó là chương trình đầu tư toàn diện được tích hợp từ nhiều chính sách khác nhau, thể hiện qua các dự án như giải quyết tình trạng đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Sự cộng hưởng lan tỏa
Phải ghi nhận rằng, trong hành trình thoát nghèo trên ở huyện, có không ít gia đình chính sách, người có công với cách mạng, vì Hàm Thuận Nam là vùng đất kiên trung trong chiến tranh. Đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đang tiếp nhận và quản lý 930 liệt sĩ, 171 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện đang còn sống 5 mẹ); 2.423 thương binh, bệnh binh và gia đình có công với cách mạng. Thực tế cho thấy không ít thương binh trên địa bàn huyện đã vượt qua bệnh tật, cần cù lao động, vượt khó làm kinh tế giỏi, song song với hỗ trợ, giúp đỡ những người khó khổ xung quanh. Và cũng có không ít gia đình chính sách nêu gương sáng trong hưởng ứng các phong trào, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới… Sự tiếp tục đóng góp cho xã hội ấy của họ, không chỉ xuất phát từ tinh thần tự lực, tự cường; tinh thần Bộ đội Cụ Hồ mà còn bởi được cộng hưởng từ hành động quan tâm kịp thời, chu đáo qua công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của chính quyền. Trước hết là nhà cửa, nơi an cư cho lạc nghiệp. Bằng nguồn vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp, toàn huyện đã xây mới 73 căn nhà và sửa chữa 258 căn nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách người có công với cách mạng, với tổng số tiền trên 5,2 tỷ đồng…
“Chủ trương của huyện là mỗi việc làm, mỗi hoạt động phải cụ thể, thiết thực nhằm góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách người có công với cách mạng. Nhờ đó, công tác “đền ơn đáp nghĩa” phát triển với nhiều hoạt động thiết thực được hình thành và lan tỏa đều khắp trong các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và đơn vị” – bà Mai Thị Ngọc Ảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ.
Cũng theo bà Ảnh, đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND huyện giải quyết cơ bản các tồn đọng về hồ sơ trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công trong kháng chiến qua các thời kỳ. Với sự phức tạp, mang tính lịch sử của hoạt động kháng chiến nên trong quá trình làm hồ sơ để được hưởng chính sách, về mặt thủ tục, không ít hồ sơ chưa đầy đủ. Trong quá trình gửi lên ngành chức năng tỉnh mới phát hiện ra, phải làm lại nên có tồn đọng hồ sơ. Vấn đề này vốn thường khó chấm dứt ở nhiều nơi ngay thời điểm này, vì tính chất đặc thù. Nhưng hiện tại, Hàm Thuận Nam đã giải quyết xong.
Nhờ vậy, hiện tại, Hàm Thuận Nam công tác chi trả chế độ thường xuyên hàng tháng cho trên 900 đối tượng chính sách người có công với cách mạng; 100% người có công và thân nhân người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế; cấp tiền hỗ trợ cho 400 học sinh, sinh viên là con của đối tượng chính sách; cấp dụng cụ chỉnh hình cho 320 lượt đối tượng thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đến cuối đời cho 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Tất cả cho thấy, trong thoát nghèo của nhân dân, trong quan tâm đến đối tượng chính sách, Hàm Thuận Nam sau 40 năm đã có những bước chuyển tới cuộc sống an vui.