Liên kết sản xuất: Xu thế tất yếu của nông nghiệp hiện đại

Kinh tế - Ngày đăng : 09:10, 25/02/2019

 BT- Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đang được nhiều địa phương đẩy mạnh góp phần mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp tạo chuyển biến xây dựng nông thôn mới…
                
Liên kết tiêu thụ cây nho xã Phước Thế.

 Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Trước yêu cầu đặt ra trong việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng NTM, huyện Tuy Phong đang từng bước giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và và tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho biết: Xác định giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp là đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi liên kết. Địa phương đã xây dựng mô hình liên kết chuỗi cung ứng vật tư đầu vào lúa giống; HTX Phước Thể liên kết doanh nghiệp Tư Thành tiêu thụ sản phẩm cây nho; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mực ống tại Liên Hương”. Mặc dù ở Tuy Phong quy mô các mô hình liên kết chuỗi còn nhỏ, số lượng còn ít, tuy nhiên các mô hình đều bước đầu ổn định. Đặc biệt, ở lĩnh vực thủy sản có mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mực ống tại thị trấn Liên Hương. Được thành lập năm 2017, đây là liên kết chuỗi giữa ngư dân làm các nghề khai thác mực (nghề bẫy bóng mực, chụp mực, câu mực) với doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mực trong nước và xuất khẩu. Mô hình đang duy trì 4 doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua với các tàu cá đã thu mua mực của hơn 40 tàu cá ngư dân. Ngoài ra, ngư dân được tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, năm vừa qua có 278 hộ làm nghề khai thác hải sản có công suất lớn ở các xã, thị trấn Liên Hương, Chí Công, Phước Thể, Phan Rí Cửa, Hòa Phú được vay vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ với số tiền hơn 33,4 tỷ đồng.

Năm vừa qua, huyện Đức Linh có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Trà Tân, Đức Chính nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện lên 10/11 xã. Đây là địa phương “tiên phong” trong xây dựng các mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hiệu quả. Toàn huyện có 10 HTX thực hiện liên kết với nông dân địa phương, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân trong vùng. Điển hình như các HTX: Dịch vụ nông nghiệp Công Thành, Mê Pu, Sùng Nhơn, bưởi da xanh Đông Hà, sầu riêng Rô Mô- Đa Kai, nuôi trồng thủy sản Trà Tân, rau sạch Trà Tân… đã thu mua các sản phẩm lợi thế của địa phương như lúa nếp, trái cây, rau sạch theo giá thị trường vào kỳ thu hoạch, liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất tiêu thụ trong và ngoài nước, tăng giá trị sản phẩm. Đức Linh đang xúc tiến chuyển dịch đất sản xuất kém hiệu quả để hình thành trên 4.000 ha vùng chuyên canh lúa, nếp chất lượng cao khu vực phía Nam huyện, trái cây đặc sản ở các xã phía Bắc cung cấp cho hầu hết các HTX dịch vụ tại địa bàn theo mô hình liên kết chuỗi.

 Phát triển, mở rộng quy mô

Phải nói rằng, liên kết sản xuất có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi mà ngành nông nghiệp đang đứng trước sự đan xen giữa cơ hội và thách thức. Trong 7 xã đạt chuẩn NTM năm 2018 (xã Vĩnh Hảo, Hàm Cường, Tiến Thành, Tân Hải, Đức Chính, Trà Tân và Đức Bình) đều có xây dựng mô hình nông sản chủ lực theo liên kết sản xuất và tiêu thụ, một số mô hình liên kết chuỗi hiệu quả. Có mô hình quy mô lớn, ổn định tạo liên kết bền vững như xã Nam Chính (Đức Linh), HTX Dịch vụ Công Thành liên kết với hàng trăm hộ xã Đức Chính gieo trồng hơn 500 ha nếp chất lượng cao, bao tiêu toàn bộ nông sản cho nông dân, đưa ra tỉnh ngoài tiêu thụ. Ngoài ra, các xã khác như Trà Tân (Đức Linh) có HTX Rau sạch Trà Tân thành lập vào giữa năm 2017 với 25 hộ tham gia. HTX làm đầu mối cung ứng vật tư nông nghiệp, liên kết với doanh nghiệp thu mua rau sạch cho các thành viên với mức giá ổn định. Xã Hàm Cường có HTX thanh long Phú Cường ký kết tiêu thụ nông sản trái thanh long với các hộ dân trong xã và hợp đồng liên kết với  Công ty TNHH Khánh Trâm về thu mua trái thanh long…

Thanh Duyên