Vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

Xã hội - Ngày đăng : 15:42, 12/05/2023

BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 54-CT/TU thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội vừa có có văn bản đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cấp tỉnh phối hợp quán triệt, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

ktra-attp1.png
Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh liên quan đến nội dung an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên, người lao động và Nhân dân nâng cao nhận thức và chấp hành nghiêm túc quy định của Luật an toàn thực phẩm (số 02/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018 của Quốc hội).

Kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật bị cấm như: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm; Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm; Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; Sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép…

Ngoài ra, cần phát huy vai trò trách nhiệm của lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Công an viên thôn bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp) và thành viên các Tổ nòng cốt mô hình “Tự phòng, tự quản” phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để chủ động nắm tình hình địa bàn và tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân nhất là các hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tích cực. Nhận thức của người sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từng bước được nâng lên đã góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, bất cập, một số cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh thực phẩm còn vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 161 vụ, xử phạt hành chính 2,8 tỷ đồng. Tịch thu tiêu hủy gần 35 tấn thực phẩm bẩn, hơn 6 tấn hóa chất, phụ gia cấm sử dụng trong thực phẩm.

Một số vụ như sử dụng acid phosphoric trong chế biến đường nước (đường vàng); sử dụng acid oxalic trong sương sáo; sử dụng phẩm màu công nghiệp (nhuộm vải) để nhộm đỏ tôm khô, ruốc và nhuộm vàng măng; sử dụng chất tẩy trắng công nghiệp (Javel - chất tẩy bồn cầu) để tẩy trắng măng chua, giá đỗ; sử dụng thuốc trừ sâu bảo quản hành để làm hành phi; sử dụng hoá chất không rõ nguồn gốc trong sản xuất cà phê, chế biến chả cá, giò chả, nhúng sầu riêng; kinh doanh các loại thịt bị ôi thiu, nhiễm vi sinh, vượt các chỉ tiêu an toàn cho phép hàng nghìn lần; sử dụng động vật chết do bị bệnh, dịch để làm nguyên liệu thực phẩm…

Bảo Ngọc