Mô hình nuôi heo cỏ địa phương ở vùng cao Hàm Thuận Bắc

Kinh tế - Ngày đăng : 05:09, 15/05/2023

Hiện nay, tại các xã La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến của vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc giống heo cỏ (hay còn gọi là heo đen) đang được người dân nơi đây phát triển, tạo ra thu nhập ổn định. Đặc biệt, những địa phương này còn có hẳn chính sách hỗ trợ giống để người dân bảo tồn, phát triển mạnh giống heo này.

Đến thôn 1, xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc), chúng tôi gặp hộ bà K’ Thị Lò, người có thâm niên trong việc nuôi giống heo cỏ. Bà Lò cho biết, những năm trước đây gia đình bà nuôi rất nhiều giống heo này nhưng do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi nên đàn heo của gia đình bà bị tuyệt chủng. Năm 2020, bà được Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc hỗ trợ 2 con nái sinh sản, 50% thức ăn chăn nuôi và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Ngoài ra, cán bộ thú y cũng đã đến tận nhà tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nên việc gây dựng đàn heo cỏ của gia đình bà diễn ra thuận lợi. Đến nay, hộ bà Lò có đàn heo cỏ gồm: 2 nái, 1 đực giống và 4 con nuôi thịt, chưa kể đã bán hơn 100 heo con cho đồng bào duy trì con giống.

mo-hinh.jpg

"Từ con giống đến kỹ thuật nuôi, gia đình tôi đều được huyện hỗ trợ, hướng dẫn nên rất thuận lợi và yên tâm. Giống heo này rất dễ ăn uống, chuồng trại lại cũng đơn giản. Chúng có thể tự đi kiếm ăn ngoài tự nhiên, bên cạnh đó, tôi cũng cho chúng ăn thêm rau rừng nấu với cám. Mặc dù nó lớn chậm nhưng bù lại giá cao nên cũng rất hiệu quả. Từ ngày nuôi heo cỏ đến nay kinh tế gia đình tôi ổn định hẳn, không còn phải lo chuyện kiếm ăn từng bữa như trước", bà Lò phấn khởi.

Còn tại xã Đông Giang, một trong những hộ dân chú trọng, chăn nuôi phát triển mô hình này khá tốt là hộ anh K’ Văn Tính. Theo anh Tính, giống heo cỏ sinh sản nhanh, sức đề kháng tốt, dễ nuôi. “Heo cỏ đẻ một năm hai lứa, mỗi lần 6 - 8 con. Tôi bán cho người dân trong vùng làm giống với giá từ 700.000 - 800.000 đồng một con. Còn heo lớn từ 20 kg trở lên giá 150.000 đồng/kg", anh Tính nói.

Anh Tính cũng cho biết, việc bán heo cỏ rất dễ dàng, thương lái ở dưới xuôi thường xuyên lên thu mua, thậm chí không có hàng để bán. Theo ông K' Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Đông Giang, hiện trên địa bàn xã có rất nhiều hộ chăn nuôi giống heo cỏ này. “Có gia đình nuôi từ 2 – 3 cặp, cũng có gia đình nuôi đến vài chục con. Cộng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đời sống của bà con nơi đây đã phần nào ổn định”, ông Tiển chia sẻ.

Để duy trì được giống heo cỏ này, năm 2020 và năm 2021, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp huyện đã được UBND huyện phê duyệt kinh phí từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp để thực hiện mô hình nuôi tái đàn heo cỏ địa phương, an toàn dịch bệnh tại 3 xã vùng cao Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ. Đợt đầu có 11 hộ nuôi 30 con, đợt hai có 15 hộ nuôi 30 con, cách thức nuôi nhốt chuồng nhưng có không gian rộng và thoáng để chạy nhảy theo đặc tính của loài vật nuôi này. Tháng 9/2022 vừa qua, trung tâm tổng kết mô hình nuôi tái đàn heo cỏ địa phương, có 20 hộ duy trì nuôi 43 con nái và đã sinh sản được 281 heo con, trong đó, heo con hộ thực hiện mô hình giữ lại hơn 100 con, còn heo con bán cho hộ dân khác nuôi thương phẩm hoặc để làm giống 137 con với 66 hộ dân.

Có thể nói, mô hình nuôi heo cỏ khá thành công. Đến nay, 3 xã vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc không còn tình trạng khan hiếm nguồn cung con giống cũng như thịt heo cỏ thương phẩm như trước. Các hộ dân quan tâm đầu tư vốn và kỹ thuật chăn nuôi đúng mức, như thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực nuôi, định kỳ tiêm vắc xin phòng bệnh theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Người dân vùng cao đang kỳ vọng, heo cỏ sẽ là nguồn kinh tế chính của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây.

Bảo Ngọc