Làm giàu trên vùng đất cằn cỗi

Kinh tế - Ngày đăng : 15:35, 05/05/2023

Từ miền quê sông nước Châu Thành (Long An), gia đình ông Nguyễn Quốc Ái đã quyết định lên thôn 3, xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh định cư lập nghiệp. Với số vốn tích lũy ở quê nhà 200 triệu đồng, ông Ái quyết định mua 1,2 đất đã trồng cây cao su ở cách trung tâm xã Suối Kiết trên 10 km để làm ăn.

Vì vùng đất nơi đây cằn cỗi nên cây cao su phát triển rất chậm nếu để cây cao su thì không biết đến bao giờ mới vực dậy kinh tế gia đình. Trong một lần về thăm quê hương Long An, ông Ái tìm hiểu một số mô hình trồng cây ăn trái ở quê nhà và đã chọn ra được loại cây trồng có thể phát triển ở mảnh đất thôn 3, Suối Kiết đó là cây chanh giấy.

chanh-giay.jpg

Năm 2015, ông Ái trở lại Long An mua 400 cây giống chanh giấy về trồng thử nghiệm trên diện tích 4.000 m2 đã phá bỏ cây cao su. Qua chăm sóc, cho thấy chanh giấy thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây và phát triển rất tốt, cho trái sai ngay vụ bói đầu tiên. Vì điều kiện lúc này còn khó khăn không có tiền mua thêm cây giống về trồng nên ông Ái tự mày mò tìm hiểu sách báo, truyền thông và tự mình cấy ghép nhân giống để mở rộng diện tích trồng loại cây này. Đến nay trên diện tích 1,2 ha của gia đình đã trồng được 700 cây chanh giấy.

Ông Ái cho biết: Chanh giấy sau khi trồng được 1 năm đã cho thu trái. Đầu ra thương lái ở miền Tây lên tận nơi thu mua. Loại cây dễ trồng, sức đề kháng tốt, ít sâu bệnh, lớn nhanh và cho trái to, nhiều nước, năng suất cao, tuổi thọ dài, đặc biệt là không kén đất và có thể cho trái quanh năm, cứ 1 tháng là thu hoạch 1 lần nên nguồn thu nhập từ cây chanh giấy rất ổn định. Cái khó của chanh giấy là vào mùa mưa chanh bị bệnh ghẻ trái, vàng lá, thời điểm này cần phải chăm sóc chu đáo, phun thuốc phòng ngừa nấm và vi khuẩn, cắt tỉa bớt cành thì chanh sẽ trở lại bình thường. Năng suất chanh của gia đình đạt khoảng 8 - 9 tấn/1 ha. Vào mùa thuận, giá chanh giấy dao động khoảng 12.000 – 16.000 đồng/kg, còn mùa nghịch, giá chanh rất cao, từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi thu lời khoảng 900 triệu đồng/năm. Không chỉ hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên 10 lao động khác. Không những thế, ông Ái còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hộ nông dân khác có ý chí, quyết tâm trồng cây chanh giấy để phát triển kinh tế.

Từ mô hình trồng cây chanh giấy này, hộ ông Nguyễn Quốc Ái, thôn 3, xã Suối Kiết nhiều năm liền được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Đây cũng là tấm gương khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mang lại hệu quả kinh tế cao, góp phần vào thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ngọc Khánh