Quyết tâm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cao tốc Bắc-Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 14:44, 22/02/2019
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc đi qua.Về phía tỉnh Bình Thuận, tham dự Hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong cùng vớilãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ,Sở Giao thông vận tải, Chánh Văn phòng UBND tỉnh.
Đây là Hội nghị có ý nghĩa lớn nhằm khẳng định quyết tâm chính trị trong việc triển khai đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc-Nam trong thời gian ngắn nhất, đạt chất lượng cao nhất.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, để thực hiện cao tốc Bắc - Nam, đầu tiên cần phải nhanh chóng thực hiện công tác khai giải phóng mặt bằng và công tác bồi thường.Tuyến cao tốc đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài 654 km (bao gồm các tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long), do đó khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớnvới tổng kinh phí khoảng 12.400 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ có hơn 4.800ha đất được thu hồi và nhiều công trình xã hội khác phải di dời.
Về phía tỉnh Bình Thuận, tổng chiều dài tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh là 160,5km bao gồm: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo 12km, đoạn Vĩnh Hảo -Phan Thiết 101km, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây 47,5km. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 1.179ha với kinh phí khoảng 2.206 tỷ đồng.
Theo Bộ Giao thông vận tải, bước đầu đã hoàn thành phê duyệt 11/11 dự án xây cao tốc Bắc - Nam phía Đông cùng dự toán chi phí khảo sát. Ngoài ra, công tác khảo sát thiết kế, bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cùng mốc lộ giới các dự án đang được thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I - II năm nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cho biết: Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận. Do đó, trong thời gian qua, tỉnh đã nhanh chóng triển khai các công việc liên quan thuộc trách nhiệm của tỉnh phục vụ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.
Cụ thể, tỉnh Bình Thuận đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tại Quyết định số 956/QĐ-TU ngày 02/5/2018; UBND tỉnh đã giao cho UBND các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án thành phần giải phóng mặt bằng đối với tuyến đường cao tốc đi qua địa phương mình quản lý tại Công văn số 2932/UBND-ĐTQH ngày 18/7/2018; tỉnh đã cập nhật, bổ sung dự án vào kế hoạch sử dụng đất của các huyện có tuyến đường cao tốc đi qua; UBND tỉnh đã có Công văn số 5241/UBND-ĐTQH ngày 07/12/2018 và Công văn số 5392/UBND-ĐTQH ngày 20/12/2018, chỉ đạo UBND các huyện triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án, đến nay cơ bản đã hoàn thành các nội dung quan trọng.
Kiến nghị với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm bố trí vốn năm 2019 với tổng kinh phí 1.501,48 tỷ đồng cho các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua, đặc biệt ưu tiên cho đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đồng thời sớm bàn giao cọc giải phóng mặt bằng dự án đoạn qua địa bàn tỉnh cho các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã và người dân hai bên tuyến cao tốc để khảo sát, thỏa thuận, thống nhất chi tiết hơn về xử lý giao cắt với các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dân sinh nhằm giảm thiểu tác động của dự án đối với đời sống, sản xuất của người dân và các tổ chức có liên quan, tránh tình trạng trong quá trình triển khai thi công phải điều chỉnh nhiều lần.
Về phía địa phương, UBND tỉnh cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện tối ưu để dự án tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh sớm đi vào thi công.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, cao tốc Bắc - Nam là dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên cần hoàn thành sớm và đạt chất lượng cao nhất. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng ghi nhận và biểu dương lãnh đạo các địa phương đã rất tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện. Các địa phương đều đã thành lập được Hội đồng giải phóng mặt bằng do Chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần đồng thời tập trung thực hiện tốt 03 nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thiết kế kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến hành công tác lựa chọn nhà thầu để thi công xây lắp; không vì công tác giải phóng mặt bằng mà ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua, phê duyệt và công khai phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; thực hiện tốt công tác cung cấp thông tin liên quan về dự án; chủ động phối hợp các Bộ, ngành và các địa phương tháo gỡ các vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, UBND các tỉnh có tuyến đường cao tốc đi qua phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cung cấp các nguồn vật liệu cho dự án; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trong quá trình thực hiện dự án, tuyệt đối không để phát sinh phức tạp, không để xảy ra những điểm nóng. Đồng thời, các địa phương cũng cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án; thực hiện tốt công tác giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của người dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định của pháp luật.
Hữu Tri