Đầu tư phát triển: Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
Kinh tế - Ngày đăng : 05:16, 17/05/2023
Cho đến thời điểm này, công tác huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh ta đã mang đến nhiều kết quả tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, nhất là giao thông vận tải, sản xuất và truyền tải điện; nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện bộ mặt đô thị, nông thôn trong tỉnh. Tỉnh đã tập trung thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, từng bước tháo gỡ chồng lấn trong quy hoạch; gắn kết giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành, tạo sự phù hợp, tầm nhìn xa, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý, thu hút đầu tư, khai thác, phát huy tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được thường xuyên quan tâm; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng được cải thiện. Hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được tập trung chỉ đạo thực hiện, kết quả thu hút đầu tư đạt khá; trong đó, thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, công tác lập quy hoạch một số ngành, lĩnh vực, địa phương còn chậm và thiếu đồng bộ. Các quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác quặng sa khoáng titan, quy hoạch phát triển du lịch, điện, quy hoạch phát triển 3 loại rừng… còn chồng lấn, gây khó khăn trong quản lý, thu hút đầu tư và triển khai các dự án. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đạt kế hoạch đề ra; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lớn về tài chính và năng lực thực hiện. Kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư cho sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa theo kịp tốc độ phát triển. Hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh còn yếu. Nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các công trình, dự án chậm được tháo gỡ; còn nhiều dự án, công trình đã được chấp thuận đầu tư nhưng chậm triển khai, nhất là trên lĩnh vực du lịch.
Trước thực trạng trên, trong thời gian tới, Bình Thuận đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong chồng lấn các quy hoạch, nhất là quy hoạch titan; đẩy nhanh tiến độ, giải phóng mặt bằng cho các công trình do bộ, ngành Trung ương đầu tư; đồng thời, đề nghị Trung ương đầu tư giao thông liên vùng, mở rộng quốc lộ 28B, quốc lộ 55; đầu tư hoàn chỉnh Cảng hàng không Phan Thiết... tạo ra hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Quan tâm đầu tư các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, hạ tầng thủy lợi, đê, kè phục vụ phòng, chống hạn, ứng phó với biến đổi khí hậu và những công trình bức xúc, cấp bách khác. Đồng thời thực hiện tốt các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP), đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai và tạo điều kiện cho các dự án có tính khả thi cao sớm triển khai đầu tư. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công thông qua xây dựng, thực hiện tốt kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn, dài hạn. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình cấp bách nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động tạo quỹ đất bố trí tái định cư cho nhân dân để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình trọng điểm và thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản. Xây dựng, quản lý, thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường hoạch định các định hướng và chính sách phát triển của vùng và từng địa phương trong tỉnh.