"EC không khó khăn mà chính chúng ta đang dễ dãi"

Kinh tế - Ngày đăng : 05:29, 17/05/2023

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trong các cuộc họp với 28 tỉnh, thành ven biển về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vừa qua. Bộ trưởng Lê Minh Hoan còn nhấn mạnh rằng, hiện nay, khâu tổ chức thực thi chống khai thác IUU vẫn còn khá yếu. Một số địa phương vẫn chưa nhận thức thấu đáo về IUU, dẫn tới tâm lý triển khai công việc một cách đối phó, hiệu quả không cao.

Chấm dứt hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; 100% tàu cá trên 15m có lắp đặt và mở thiết bị giám sát hành trình 24/7, ghi nhật ký khai thác đầy đủ. Đồng thời, giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại cảng cá của tỉnh. 100% hồ sơ lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác có yêu cầu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác…

z4341100602750_ae2ee6c7e9c5fa1cfd611bc7ced3855e.jpg
Tập trung nhiều giải pháp để gỡ "thẻ vàng" thủy sản (ảnh: N. Lân)

Đây là 4 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần khắc phục khi Ủy ban châu Âu (EC) sang thanh tra lần thứ 4 về tình hình chống khai thác IUU từ 24 - 31/5 tới đây. Đây cũng vừa là “cam kết”, là quyết tâm, là hành trình thay đổi của các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp và các ngư dân trên địa bàn tỉnh nhằm chung tay gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản. Kết quả của đợt kiểm tra lần này có ý nghĩa quyết định liệu Việt Nam có gỡ được “thẻ vàng” thủy sản hay không.

Nói chung ta dễ dãi, chẳng sai. Khi thời gian qua, nhiều tàu cá không đủ điều kiện vẫn xuất bến; vẫn còn tàu cá khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, việc ghi nhật ký khai thác chỉ để đối phó. Đặc biệt, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác đối với các lô hàng xuất khẩu vào thị trường châu Âu chưa đảm bảo theo quy định, có hiện tượng hợp thức hóa hồ sơ bất hợp pháp đã bị phía EC phát hiện tại đợt thanh tra lần thứ 3… Có lẽ, do ngư dân và cả những cán bộ ở địa phương, doanh nghiệp chưa thấy hết những thiệt hại khi Việt Nam phải chịu “thẻ vàng” của EC trong 5 năm qua, nên cứ tự dễ dãi với chính mình.

z4341091766050_52493903256bf921bc097843d7758ca5.jpg
Không phải chúng ta không làm được, mà do chúng ta còn “nương tay”.

Cũng từng bị áp “thẻ vàng”, nhưng chỉ trong vòng 3 năm (2015 - 2018), Thái Lan đã xây dựng một tương lai mới cho ngành thủy sản thông qua chương trình cải cách sâu rộng nhằm đưa thủy, hải sản của nước này trở nên an toàn hơn, hợp pháp hơn, bền vững hơn nhằm bảo vệ biển cho các thế hệ mai sau. Với khẩu hiệu “Thái Lan không IUU”, Chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 87 triệu Euro cho các chương trình chống đánh bắt IUU, trả lương cho đội ngũ gồm 4.000 thanh tra và thiết lập hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát nghề cá (MCS) mới. Theo Cục Thủy sản Thái Lan, có nhiều yếu tố dẫn đến thành công của Thái Lan trong việc đấu tranh với đánh bắt IUU: ban hành các luật mới về thủy sản và biển, cải tổ hệ thống quản lý hải sản, thiết lập hệ thống MCS mạnh mẽ, thực thi pháp luật nghiêm khắc hơn cùng các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nâng cao mới... Đặc biệt, Luật Thủy sản mới của Thái Lan được coi là một trong những luật thủy sản nghiêm khắc nhất thế giới, trong đó coi đánh bắt IUU là tội phạm quốc tế và mức phạt cao lên tới 30 triệu baht (780.000 Euro) hoặc gấp 5 lần giá trị sản phẩm đánh bắt được.

z4341092285805_461696379041a915032ec42058ddbf58.jpg
Ý thức ngư dân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong khai thác, đánh bắt thủy sản

Chính sự dễ dãi đã khiến ngành thủy sản Việt Nam những năm qua chật vật để thay đổi, để vào khuôn khổ, hướng tới mục tiêu phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm. Không phải chúng ta không làm được, mà do chúng ta còn “nương tay”, chưa quyết đoán trong xử lý các vi phạm IUU. Cùng với cả nước, Bình Thuận đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh, trong đó công tác tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” vẫn được xem là biện pháp trọng tâm và thường xuyên. “Đến tận nhà, rà tận tàu” để vận động, giải thích cho ngư dân hiểu lợi ích đối với chính gia đình và đất nước về gỡ bỏ “thẻ vàng”, hướng dẫn ngư dân và gia đình cùng ký cam kết không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài… Phải tuyên truyền một cách sâu rộng, cụ thể để mỗi cán bộ, mỗi ngư dân phải thay đổi tư duy, không xem những yêu cầu của EC về IUU là rào cản mà phải xem nó là động lực để thực thi Luật Thủy sản một cách hiệu quả hơn.

Có như vậy, cơ hội được gỡ “thẻ vàng” thủy sản sẽ gần hơn. Hơn ai hết, ý thức ngư dân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong khai thác, đánh bắt thủy sản. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải luôn đồng hành, có chính sách để giúp cho ngư dân yên tâm khai thác nguồn lợi từ biển một cách hiệu quả và bền vững.

Minh Vân