Sự trả ơn của biển ở Hàm Thuận Nam
Xã hội - Ngày đăng : 05:32, 18/05/2023
Trong quá trình khai thác hải sản, nhiều ngư dân ở xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam đã nhận nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc chấp hành Luật Thủy sản, các quy định về chống đánh bắt IUU và báo tin cho lực lượng chức năng để ngăn chặn, xử lý. Những ngư dân trên thuộc Đội giám sát IUU cộng đồng tại xã Tân Thuận.
Anh Lê Xuân Huỳnh, Đội trưởng Đội Cộng đồng giám sát IUU (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, ngoài nhận nhiệm vụ theo dõi, giám sát thì các thành viên trong đội thường xuyên tuyên truyền đến những ngư dân khác. Trò chuyện hết lần này đến lần khác theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, giờ thì ngư dân ở Tân Thuận ai cũng biết phải làm gì để giữ nguồn lợi thủy sản.
Ông Nguyễn Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam thông tin thêm, đội có 54 thành viên, chủ yếu là những ngư dân địa phương, hoạt động theo nội quy tự quản riêng. Nhờ họ mà Trạm kiểm ngư La Gi đã tiếp nhận hơn 100 thông tin vi phạm; xử lý 64 vụ; Đồn Biên phòng Tân Thành đã tiếp nhận 40 thông tin vi phạm IUU; xử lý 6 vụ (1 vụ/1 tàu cá nghi vấn xâm phạm vùng biển nước ngoài). Ngoài ra, xã cũng đã tổ chức 1 đợt ra quân xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá hoạt động nghề cào nhám (nghề đã cấm). Đã bắt được 70 vụ, đa số là ngư dân đến từ các địa phương khác, sử dụng ngư cụ lưới kéo ven bờ để bắt sò nhám, trong khi năm 2020 là 50 vụ.
Cũng theo ông Thanh, Đội IUU cũng là lực lượng nòng cốt của xã tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển. Lực lượng này đã tổ chức huy động phương tiện, con người tham gia cứu hộ 2 tàu cá gặp tai nạn trên biển; thường xuyên thăm hỏi, động viên ngư dân thành viên khi gặp khó khăn, hoạn nạn... Qua đó, tinh thần đoàn kết, gắn kết trong cộng đồng ngày càng được phát huy.
Tân Thuận là 1 trong 3 xã ven biển của huyện Hàm Thuận Nam. Cộng thêm Tân Thành, Thuận Quý, toàn huyện có 465 hộ ngư dân đang trực tiếp khai thác thủy sản từ 135 thuyền có công suất và 514 thuyền thúng khai thác tại vùng biển ven bờ. Nhiều năm trước, khi sản lượng khai thác thủy hải sản ngày càng giảm, huyện Hàm Thuận Nam đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, 3 tổ chức Hội cộng đồng ngư dân tại 3 xã vùng biển trên đã hình thành, với số hội viên đến nay là 288 người, thực hiện mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên diện tích vùng biển được giao là 43,4 km2. Đến nay, các Hội cộng đồng ngư dân đã đi vào hoạt động ổn định, chủ động trong vận hành và quản lý; triển khai được các hoạt động bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển được giao cho cộng đồng, nhất là đã tổ chức thi công 41 điểm rạn nhân tạo trên biển để đánh dấu, ngăn chặn nghề lưới kéo, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho các loại thủy sản.
Hiện nay nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển tại vùng biển 3 xã đang phát triển. Tại các bãi rạn như Hòn Lan, Mũi Ngựa, cửa Suối Nhum hoặc tại các rạn đá nhân tạo đã thu hút rất nhiều loại thủy sản sinh sống. Riêng thủy sản 2 mảnh vỏ như sò lông đã phục hồi dưới đáy biển. Thành quả đó như là sự trả ơn của biển đối với người làm biển và cũng là cách để người làm biển ở huyện Hàm Thuận Nam giữ sinh kế lâu dài.