Đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại Bình Thuận
Chính trị - Ngày đăng : 18:59, 18/05/2023
Cùng dự buổi làm việc còn có các thành viên đi theo Đoàn công tác là đại diện nhiều Bộ ngành Trung ương: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo các Cục, cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải… Về phía địa phương có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thuận Bích và lãnh đạo các sở ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu định hướng buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị các thành viên trong Đoàn công tác lắng nghe, ghi nhận đầy đủ khó khăn, vướng mắc kể cả kiến nghị của Bình Thuận. Trên cơ sở đó quan tâm xem xét tham mưu các Bộ ngành liên quan phối hợp giải quyết với tinh thần “vướng đâu gỡ đó”, “vướng cấp nào thì gỡ cấp đó”…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận báo cáo tóm tắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Qua đó thông tin trong quý đầu năm 2023, nhìn chung tình hình kinh tế của địa phương tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở cả 3 trụ cột: Công nghiệp - Du lịch - Nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,86% (trong khi bình quân chung của cả nước là 3,32%), đối với giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 7% so cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 32,13%. Hoạt động du lịch cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi, xuất nhập khẩu trở lại bình thường và thông suốt, tuy nhiên tổng thu ngân sách nhà nước giảm hơn 23% so cùng kỳ năm ngoái.
Về đầu tư xây dựng, trong quý đầu năm nay địa phương tập trung nguồn lực đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng, công trình trọng điểm và quan trọng của tỉnh cũng như tập trung thúc đẩy tiến độ một số công trình giao thông trên địa bàn, riêng giải ngân vốn đầu tư công quý I đạt 18,3% kế hoạch năm. Cùng thời gian, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận thực hiện được 164 triệu USD, giảm 10,91% so cùng kỳ và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 234,9 triệu USD, giảm 23,56%…
Dịp này, địa phương đã kiến nghị Đoàn công tác của Chính phủ xem xét tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc về: Thị trường xuất khẩu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra còn kiến nghị một số nội dung về thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến công tác quy hoạch và thủ tục đầu tư, xây dựng. Hay như về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai và về những kiến nghị khác (trong đó có việc xử lý tro xỉ tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Cảng hàng không Phan Thiết...). Qua đây, đại diện các Bộ ngành liên quan cũng đã trao đổi, có ý kiến về những kiến nghị, đề xuất của Bình Thuận nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay tại địa phương.
Thay mặt địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cảm ơn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ về làm việc tại Bình Thuận. Qua đó kịp thời nắm bắt tình hình cũng như ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhằm chỉ đạo hướng giải quyết hợp lý, đem lại hiệu quả thiết thực…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng Bình Thuận có lợi thế để phát triển du lịch biển, công nghiệp năng lượng mà nhất là năng lượng tái tạo và sở hữu nhiều khoáng sản với trữ lượng lớn, được xác định là 1 trong 4 vùng trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của quốc gia. Đặc biệt, Sân bay Phan Thiết đang được đầu tư xây dựng và khi hoàn thành sẽ trở thành công trình hạ tầng chiến lược, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh nhà.
Sau hơn 30 năm từ khi tái lập tỉnh, Bình Thuận đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ và chuyển mình mạnh mẽ, đạt được kết quả tích cực trên nhiều phương diện. Dù vậy, bên cạnh mặt được thì trong thời gian qua địa phương còn gặp không ít khó khăn và chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh để vươn lên phát triển xứng tầm… Thế nên đề nghị trong thời gian tới, Bình Thuận cần tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình trong nước, ngoài nước và của tỉnh với tinh thần bình tĩnh, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để xử lý, giải quyết cả 3 nhóm nhiệm vụ thường xuyên, những vấn đề tồn đọng lẫn công việc phát sinh.
Bên cạnh đó quan tâm tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và cùng đồng hành, hỗ trợ kết nối nhà nước - người dân - doanh nghiệp. Mặt khác thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng…
Nhân đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bình Thuận để rà soát, trả lời ngay những văn bản còn nợ đọng của địa phương. Đồng thời tiếp tục xem xét, tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết kịp thời một số nội dung kiến nghị cũng như hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh Bình Thuận đã đề cập.