Từ dự trữ nước đến cắt giảm lũ sông Cà Ty

Kinh tế - Ngày đăng : 05:26, 19/05/2023

Không chỉ Nhà nước tìm mọi cách xây dựng những “kho nước” cho Hàm Thuận Nam mà ngay những người dân ở huyện, tùy vào sức mình, điều kiện nhà mình cũng xây dựng những “kho nước” trong vườn nhà.

Kho nước trong vườn

Cứ vào tháng 3, người dân ở địa bàn huyện Hàm Thuận Nam lại bước vào đợt nạo vét ao hiện có, khoan giếng, đào ao trong vườn nhà để trữ nước mùa mưa. Năm nay cũng thế, lại rơi đúng thời điểm thanh long có giá trong khi hệ thống hồ, sông suối trên địa bàn đã báo hiệu cạn nước sớm nên tình hình đào ao trữ nước nhộn nhịp hơn ở tất cả các xã. Nhờ vậy, đến giờ, những cơn mưa đầu mùa đã giúp bao ao hồ trên địa bàn có thêm nước, giải được khát cho những vườn thanh long. Chuyện đào ao trữ nước ở đây đã thành thường xuyên từ nhiều năm nay, nhất là những khi giá thanh long tăng. Nổi bật là khi hồ Ba Bàu được xây dựng, tuyến kênh chuyển nước đi qua các xã Mương Mán, Hàm Thạnh... hình thành đã kích thích người dân ở các vùng này đào ao trữ nước như phong trào. Tiếp đó, khi tuyến kênh chuyển nước Sông Móng – Đu Đủ - Tân Lập đang thi công thì đến phiên người dân ở các xã Hàm Thạnh, Hàm Kiệm, Hàm Cường, Hàm Minh cũng hối hả đào ao để trữ nước trong vườn để chủ động tưới cho thanh long.

dsc_8506.jpg
Hồ Đu Đủ. Ảnh: Đ.Hòa

Trong khi đó, các xã phía biển như Tân Thuận, Tân Thành và Thuận Quý, khu vực chưa có công trình thủy lợi lớn nên ngoài nạo vét, đào ao tại nhà với hy vọng cất nước trời mưa, người dân còn lụy vào nước ở sông Phan chảy ra biển. Đó là lý do từ nhiều năm trước, chính quyền và nhân dân xã Tân Thuận đã nghĩ ra cách đắp cản trên sông Phan để giữ nước ngọt cũng như ngăn xâm nhập mặn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nhưng hiện tại, trên sông này chỉ có 2 cản được đắp, trong khi bình thường có đến 7 cản, vì phải tưới đến 1.400 ha thanh long. Chả là tháng 11 năm rồi, thời điểm người dân ở đây góp tiền đắp cản, giữ nước ngọt thì giá thanh long không cao nên dân không đóng góp. Sau tết giá thanh long tăng trở lại đã khiến nhiều nhà cho rằng bỏ lỡ cơ hội. Tuy nhiên, nếu tính toán sẽ thấy đó là bài toán có nhiều chi phí. Bởi ngay cả nước tưới, mỗi năm dân nơi đây phải đắp 6-7 cản, kinh phí mỗi cản khoảng từ 20 đến 40 triệu đồng; riêng cản cuối cùng (cản gần cầu Quang) có kinh phí đắp gần 150 triệu đồng. Nhưng tất cả sẽ không còn tác dụng nữa trong mùa mưa. Qua tháng 11, đầu mùa khô, dân lại bắt đầu góp tiền rồi đắp cản lại.

Theo lãnh đạo UBND xã Tân Thuận, kinh phí đắp cản rất lớn, nhưng nếu không đắp cản kịp thời thì việc xâm ngập mặn gây thiệt hại kinh tế còn lớn hơn. Thế nhưng, khi mưa bão hoặc áp thấp nhiệt đới diễn ra, nước sông Phan đổ về thì các cản này đều bị vỡ, cũng bị thiệt hại. Thành ra, xã đã đề nghị huyện cần xây đập ngăn mặn trên sông Phan. Và năm 2021, công trình Đập ngăn mặn sông Phan này đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh nên không triển khai kịp. Đồng thời sau khi phân tích hiệu quả công trình thì vốn đầu tư đã bị đội lên khoảng 44 tỷ đồng nên các ngành chức năng đang tính toán lại.

Giữ nước lại Hàm Thuận Nam

Địa hình sông suối của Hàm Thuận Nam không hẳn của vùng hạn, vì nơi đây có nhiều lưu vực sông. Tuy nhiên, để tích được lượng nước này cần vốn lớn mới có thể chuyển nước đến vùng hạn dưới đồng bằng. Và điều đó càng gần về sau này mới thực hiện được. Đến thời điểm này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi - chi nhánh Hàm Thuận Nam quản lý đến hơn 30 hệ thống công trình thủy lợi, trong đó chỉ có 6 hồ chứa nước quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Nhưng trong 6 công trình đó, đến thời điểm này chỉ có hồ Sông Móng với dung tích 34 triệu m3 là lớn nhất, đã tiếp nước về hồ Đu Đủ và hồ Tân Lập, giúp 1 vùng đất rộng khác có nước sản xuất. Việc chặn tích nước trên lưu vực Sông Móng, được xem là 1 nhánh đổ vào lưu vực sông Cà Ty xuôi về TP. Phan Thiết trước khi đổ ra cửa biển, hồ Sông Móng đã góp phần quyết định giảm lũ trên sông Cà Ty. Bằng chứng, từ năm 2011 đến nay, các phố phường của TP.Phan Thiết nằm ven sông Cà Ty không còn cảnh ngập lụt bất ngờ như trước. Đó là kết quả có sự góp phần của hồ Ba Bàu, công trình được hình thành nhờ lấy nguồn nước trên lưu vực sông Ka Pét và Sông Móng. Tất cả đều đổ vào sông Cà Ty.

dsc_0418.jpg
Chăm sóc thanh long. Ảnh: Đ.Hòa

Sắp tới, khi công trình hồ chứa nước Ka Pét chính thức khởi công thì việc cắt giảm lũ trên sông Cà Ty càng bền vững hơn. Cụ thể như dự án nêu là trung chuyển nước từ hồ La Ngà 3 sang lưu vực sông Cà Ty với lưu lượng 8,3m3/s, khi có hồ La Ngà 3; cắt giảm đỉnh lũ trên sông Cà Ty và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái. Vì hồ Ka Pét này có dung tích hữu ích thiết kế khoảng 50 triệu m3, là kho nước rất lớn với địa bàn huyện Hàm Thuận Nam có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hơn 7.760 ha, cho khu vực các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện là Hàm Cần, Mỹ Thạnh. Không chỉ thế, còn bổ sung nước tưới cho khu tưới 745ha của kênh Sông Linh - Cẩm Hang; điều tiết bổ sung nước cho diện tích 1.000 ha thuộc khu tưới của hồ Ba Bàu; tiếp nước để tưới mở rộng cho khu tưới của hồ Sông Móng gồm: Khu tưới kênh Sông Móng – Đu Đủ - Tân Lập với diện tích 2.500 ha và khu tưới kênh Đu Đủ -Tân Thành (dự án ADB8) diện tích 1.960 ha. Ngoài ra, còn cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hồ Ka Pét với dung tích 50 triệu m3 là bằng dung tích của tất cả các hồ thủy lợi cộng lại hiện có trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Mấy năm qua, huyện hay bị thiếu nước, hụt nước vào tháng 4,5 nên khi có công trình này sẽ bảo đảm không còn thiếu nước. Qua sự hình thành các công trình thủy lợi trên địa bàn cho thấy, đó là hành trình giữ lại nước để tưới cho địa bàn Hàm Thuận Nam, đồng thời cũng cắt giảm lũ trên sông Cà Ty nên lợi cả đôi đường.

40 năm qua kể từ khi thành lập huyện, vùng hạn Hàm Thuận Nam có cách giữ nước đặc biệt là người dân thi nhau đào ao trữ nước trong vườn nhà, để tưới và cũng để chôn nước, 1 cách cải tạo để đất màu mỡ hơn.

Bích Nghị