Lần theo dấu chân xưa của Bác
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:01, 19/05/2023
“Hành trình theo chân Bác” là những trang bút ký về những chuyến đi của đoàn làm phim “Hồ Chí Minh – một hành trình” lần theo dấu chân xưa của Bác trên con đường hoạt động cách mạng, từ 5/6/1911 tại Bến cảng Sài Gòn đến 28/1/1941 tại cột mốc 108 ở Cao Bằng. Hành trình của đoàn làm phim được tổ chức năm 2008, chuyến đi kéo dài 82 ngày. Đoàn đã đặt chân đến một số địa phương trong nước, 16 nước và vùng lãnh thổ trên bốn châu lục Âu, Á, Mỹ, Phi (trong số trên 30 nước và vùng mà Bác đã qua).
Tác giả tập sách là nhà biên kịch và viết lời bình phim tài liệu Trần Đức Tuấn, ông đã từng là phó Tổng Biên tập Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Sách do Nhà Xuất bản Trẻ liên kết với Hãng phim Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS ) xuất bản quý II năm 2011.
2. Ngoài Lời nói đầu và Phần kết, tập sách gồm 14 chương. Chương 1: Từ Kim Liên đến Bến cảng Sài Gòn. Chương 2: Cuộc viễn du bắt đầu. Từ Chương 3 đến Chương 11: Hành trình trên đất Mỹ, Anh, Pháp; về Phương Đông; Trở lại châu Âu; Tiếp theo lộ trình Đông Du; Vụ án ở Hồng Kông; Trở lại Liên Xô, Trung Hoa. Chương 12 đến Chương 14: Chuẩn bị cho ngày trở về; Sau cuộc trường hành vĩ đại; Người tù, thi nhân và những nẻo đường khổ ải.
Tập sách, ngoài phần nội dung, đã có đến 105 bức ảnh, từ ảnh chân dung Bác ở những thời điểm khác nhau, những phong cảnh nơi Bác đã từng qua, những nhân vật có mối quan hệ trong cuộc đời của Bác, những đồ vật lưu dấu kỷ niệm của Người. Ngoài ra, còn có 15 tấm bản đồ, ghi lại những chặng hành trình.
Nhà Xuất bản Trẻ và Hãng phim Truyền hình Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS) đã trình bày ở Phần Lời nói đầu của tập sách: “Đặt dấu chân mình lên dấu chân xưa, chúng tôi muốn thử hình dung ra bối cảnh và hoàn cảnh của Bác cách đây gần một thế kỷ, từ đó bộc bạch những cảm xúc trước con người vĩ đại và cuộc hành trình kỳ lạ này”. Tác giả tập sách nhiều lần có tâm trạng: bồi hồi, suy tưởng miên man về những cảm xúc, suy tư của Bác Hồ trước những cảnh vật, những con người, những hoạt động, những cảnh ngộ mà Bác đã trải qua trong vòng ba chục năm dài.
3. Tác giả Trần Đức Tuấn đã dành 5 trang để viết về giai đoạn thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân, dạy học tại Trường Dục Thanh, Phan Thiết, trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Chương 1 của tập bút ký đã có đoạn: “Trường Dục Thanh nay đã trở thành Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm bên bờ sông Cà Ty có địa thế rất đẹp đã được tu sửa để trở thành Khu di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận bởi nó gắn bó mật thiết với thời trai trẻ của Bác Hồ”. Tác giả tập sách đã dành những dòng ngợi khen về công phu phục chế và giá trị thẩm mỹ mà công trình mang lại: “Chúng tôi đã từng đi gần khắp đất nước, tới những nơi có di tích về đời hoạt động của Bác. Nơi nào cũng được gìn giữ tôn tạo rất tốt. Riêng Trường Dục Thanh đã để lại ấn tượng sâu đậm nhất về kỳ công phục chế và những giá trị thẩm mỹ mà nó tạo ra”.
4. Những chương sách nối tiếp nhau ghi lại những chuyến hành trình của đoàn làm phim lần theo dấu chân xưa của Bác. Ở Chương 2: Cuộc Viễn du bắt đầu, tác giả đã ghi lại những suy nghĩ, cảm nhận của ông khi ở Bến cảng Nhà Rồng ngày 24/4/2008, trước những trang hồ sơ trong phòng trưng bày. Ông quan tâm đến lịch trình tàu Latouche Tréville từ Sài Gòn đến Dunkerque qua Singapore, Colombo, Port Said, Marseille, Le Havre.
Tác giả đã viết: “Hành trình châu Phi đã góp phần quan trọng cho sự trưởng thành về nhận thức và tâm hồn của nhà cách mạng trẻ tuổi”. Ở Chương “Hành trình trên đất Mỹ”, tác giả đã ghi lại ý kiến của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi thăm bức tượng Nữ thần Tự do ở New York.
Ở Chương 5 “Trên đất Pháp”, tập sách đã có những dòng nhận định: “Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc sống ở đây – Paris – từ 1917 đến 1923. Thời gian này hết sức quan trọng đối với quá trình trưởng thành về tư tưởng, đặc biệt là về nhãn quan chính trị”.
Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn đã có một cách nhìn về sự đón nhận những điều mới mẻ nơi Nguyễn Ái Quốc khi Người đọc được Luận cương của Lê Nin về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa: “Ông đã tìm thấy những giá trị tư tưởng lớn lao của Cách mạng Pháp 1789, của Cách mạng Mỹ 1776, đã tìm thấy những giá trị khoa học trong tư tưởng của Karl Marx, nhưng chỉ khi tiếp xúc với những tư tưởng của Lê Nin và thành quả của Cách mạng Tháng Mười thì con đường cứu nước của ông mới hướng mạnh vào các biện pháp khả thi”.
Sau 12 năm sống và làm việc ở trời Tây, Người rời nước Pháp tháng 6/1923. “Ngày 30/6/1923, Người đến Petrograd (tức Saint Peterburg) (Liên Xô). Người học tập, nghiên cứu, tham gia các hoạt động chính trị xã hội, viết sách, viết báo, liên hệ với Paris và trong nước, giải quyết nhiều công việc của Quốc tế Cộng sản, cùng nhiều công việc khác”.
Rời Liên Xô vào khoảng tháng 9/1924, Người đến Quảng Châu, Trung Quốc vào ngày 11/11/1924. Mục đích chính trong chuyến đi của Người là xây dựng phong trào Cách mạng vô sản ở Việt Nam, trước mắt là xúc tiến việc chuẩn bị để thành lập chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Người lại sang Thái Lan để có điều kiện hoạt động mạnh mẽ hơn cho cách mạng quê nhà. Rồi từ Thái Lan, người lại sang Trung Quốc triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam thành một chính Đảng duy nhất. Hội nghị diễn ra tại bán đảo Cửu Long, Hồng Kông, từ 3/2 đến 7/2/1930. Hội nghị nhất trí việc hợp nhất Đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đọc “Hành Trình theo chân Bác”, bạn đọc sẽ có được những thông tin rất chi tiết về việc luật sư Loseby, Chủ tịch Hội Luật gia Hồng Kông, thành viên bí mật của Quốc tế Cứu tế đỏ, đã kịp thời can thiệp để người Pháp không thể thương thuyết với chính quyền Anh dẫn độ Nguyễn Ái Quốc (bị bắt tại Hồng Kông ngày 6/6/1931), về Đông Dương, chịu án tử hình đã được tuyên vắng mặt năm 1929. Luật sư Loseby đã kịp thời can thiệp buộc chúng phải đưa ra Tòa án Hồng Kông xét xử khiến âm mưu của Pháp thất bại. “Tháng 7 năm 1932, Hội đồng Cơ mật của Triều đình Anh đã quyết định tha bổng cho Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc)”. “Cuộc đấu trí và đấu lý giữa bộ máy đàn áp và những người đấu tranh vì công lý và chính nghĩa diễn ra giằng co, quyết liệt với mọi nỗ lực cao nhất của cả hai bên, trong đó vai trò ngài Loseby là hết sức quan trọng. Ông đã bẻ gãy nhiều luận điệu, chặn đứng nhiều âm mưu thâm độc để bảo vệ thân chủ đáng kính của mình”.
Cùng rất nhiều những nội dung khác, liên quan đến những miền đất khác mà Bác đã đến, hoạt động cách mạng, thời gian ở nước ngoài trước khi về để lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.
5. Những cảm nhận thực tế được diễn đạt bằng một lối viết chân phương song lại rất mượt mà, đầy chất thơ, đan xen với tâm trạng bồi hồi của tác giả khi hình dung về Bác của gần 100 năm trước đã để lại những cảm xúc đong đầy, tạo dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.
Người viết bài xin được trích lại một phần lời của tác giả Trần Đức Tuấn viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thay cho lời kết của bài: “Người không chỉ là vị thánh của lòng bác ái mà còn là một vị thống soái thiên tài có thể quật đổ những tên bạo chúa. Lý do rất đơn giản bởi Người là hiện thân của dân tộc mình, một dân tộc hòa hiếu và quật cường, từ xưa tới nay chỉ biết tôn thờ một lẽ sống duy nhất là độc lập, tự do, bình đẳng và bác ái…”.