Niềm vui khi 2 tuyến cao tốc được thông

Kinh tế - Ngày đăng : 05:30, 22/05/2023

Ngày 19/5, tuyến cao tốc đường bộ Vĩnh Hảo – Phan Thiết được đưa vào khai thác kết nối với tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã vận hành vào ngày 29/4. Sự liền mạch giữa 2 tuyến cao tốc đi qua địa phận Bình Thuận tạo nên niềm vui cho người dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung…

cao-toc-doan-phan-thiet-vinh-hao-anh-n.-lan-1-.jpg
Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh Ngọc Lân.

Giảm thời gian đi lại

Sự kiện thông xe tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được người dân cả nước quan tâm, nhất là khu vực các tỉnh miền Trung và miền Nam bởi dự án tuyến cao tốc có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người. Đó là quyền lợi cho sự lưu thông được giảm thời gian đi lại giữa các tỉnh miền Trung đến Bình Thuận và các tỉnh miền Nam. Cùng ngày tuyến cao tốc Nha Trang – Cam Lâm cũng đưa vào vận hành nên sự kết nối giữa 2 thành phố du lịch nổi tiếng là Nha Trang và Phan Thiết dễ dàng hơn bởi rút ngắn được thời gian cho khách du lịch trong và ngoài nước muốn đến 2 địa điểm này trong tour du lịch. Tuyến cao tốc đường bộ Vĩnh Hảo – Phan Thiết có chiều dài 100,8 km điểm đầu từ xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong) và điểm cuối ở xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam). Tuyến có mặt cắt ngang 4 làn xe lưu thông 2 chiều, trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5 km/điểm trên cùng một chiều xe chạy. Kích thước mỗi vị trí có chiều dài 270m (gồm 170m đoạn dừng xe, phạm vi ra vào mỗi phía 50m), bề rộng mặt 2,5m, bề rộng lề 0,75m.

Tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài 99 km, mặt đường 32 m với 6 làn xe tuyến đi qua địa phận huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân (Bình Thuận ) và qua địa phận huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, thành phố Long Khánh (Đồng Nai). Đến thời điểm này các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại. Anh Nguyễn Văn Công, lái xe tải chuyên chở hàng từ thành phố Nha Trang đi thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Các tuyến cao tốc đưa vào vận hành đã giúp cánh tài xế chúng tôi rút ngắn hơn 1/2 thời gian đi lại giữa các thành phố. Ngoài ra, việc giảm thời gian cầm lái, giảm tải được sức lao động sẽ giúp tài xế tỉnh táo hơn nên góp phần đảm bảo an toàn giao thông cao hơn… Ông Trần Văn Phước ở xã Hàm Kiệm sống ở gần khu vực đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, kể với phóng viên: Dân trong vùng họ mừng lắm anh. Cao tốc thông tuyến rất nhiều cái lợi, thứ nhất là con cái đi học ở thành phố Hồ Chí Minh đi về nhanh hơn. Tôi có con gái đang học năm nhất đại học kinh tế nhưng bị say xe nên mỗi lần vào thành phố Hồ Chí Minh ngồi xe mất 4 - 5 giờ hay từ thành phố về nhà là con nó mệt rã người thấy mà thương. Còn với những ca bệnh nặng cần chuyển đi thành phố Hồ Chí Minh cấp cứu đi cao tốc thời gian được rút ngắn nên cơ hội sống cũng cao hơn…Ông Trần Ngọc Diệp – Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, cho biết: Cao tốc đi qua Bình Thuận thông tuyến sẽ tạo điều kiện cho Hàm Thuận Nam thêm cơ hội tăng tốc phát triển kinh tế. Bởi cao tốc kết nối với 2 khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 và Hàm Kiệm 2 nên các nhà đầu tư sẽ giảm được chi phí vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra cao tốc còn kết nối với quốc lộ 1 và 2 tuyến đường du lịch ĐT 719 và ĐT7 719B nên khách du lịch sẽ dễ dàng hơn khi tìm đến các điểm du lịch nổi tiếng ở Hàm Thuận Nam…

zalo-18-.jpg
Tuyến cao tốc  Phan Thiết - Vĩnh Hảo. Ảnh Trần Thi

Tạo động lực mới cho địa phương

Việc đưa 2 tuyến cao tốc đường bộ Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng với người dân Bình Thuận, tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho các địa phương có cao tốc đi qua. Hình thành mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại, đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách, giảm thiểu thời gian đi lại và chi phí lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước và kết nối thuận tiện với các khu công nghiệp, cảng biển, khu du lịch nghỉ dưỡng, các danh lam thắng cảnh đặc sắc trên địa bàn tỉnh. Tạo động lực quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Ở một góc độ khác, Bình Thuận đang đăng cai Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, việc 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây đưa vào khai thác ở thời điểm này sẽ tạo cho nhiều người chủ động đến Phan Thiết vừa đi du lịch vừa để khám phá, thử nghiệm cảm giác với tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác. 2 tuyến cao tốc rút ngắn thời gian đi từ các tỉnh miền Trung đến Phan Thiết và các tỉnh miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh đến Phan Thiết là yếu tố khá quan trọng để du khách tìm đến Bình Thuận ngày càng nhiều hơn, nhất là Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận – Hội tụ xanh” sẽ có nhiều chương trình, lễ hội phục vụ cho du khách nên hy vọng Bình Thuận sẽ có một năm du lịch “đột phá” khách…

Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có 5/5 nút giao, gồm: Nút giao Vĩnh Hảo tại Km 134+700, nút giao Chợ Lầu tại Km 162+777, nút giao Đại Ninh tại Km 178+655, nút giao Ma Lâm tại Km 208+701, nút giao Phan Thiết tại Km 234+617. Tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có 7 nút giao trong đó đoạn qua Bình Thuận có 3 nút giao là Hàm Cường, Hàm Thuận Nam, Sông Phan (quốc lộ 55) và Tân Minh (ĐT 720) Hàm Tân.

Ghi chép: Trần Thi