Khó về nước ở Thiện Nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 05:37, 22/05/2023
Mở rộng, nâng công suất
Vùng đất Thiện Nghiệp khô cằn, không có sông suối tự nhiên, chỉ có nguồn nước nhỉ từ động cát, khe núi đá chảy qua các ao bàu… Với chức năng điều tiết và trữ nước, lượng nước mặt và nước ngầm ở các bàu này không đủ cung cấp cho nhà máy nước tại xã, nhất là mùa khô. Trước năm 2019, toàn xã có 1.619 hộ, thì có khoảng 50% tỷ lệ hộ sử dụng nước máy. Nhà máy nước Thiện Nghiệp có công suất 1.000 m3/ngày do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý và có tuyến ống cấp nước của Công ty cổ phần cấp thoát nước Bình Thuận cung cấp cho khu vực phường Hàm Tiến. Cuối năm 2022, Thiện Nghiệp có 77,87%, tương ứng 1.534 hộ sử dụng nước máy trong tổng số 1.907 hộ.
Để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân nơi đây, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã lập và được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư mở rộng tuyến ống cấp nước dài khoảng 10.000m cho các khu vực chưa có tuyến ống cấp nước ở thôn Thiện Trung, Thiện Bình, Thiện Hòa và các hạng mục xây dựng để nâng công suất Nhà máy nước Thiện Nghiệp lên 1.600 m3/ngày. Đến nay, công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng, giải quyết phần nào nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Đó là thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận.
Hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
Với địa hình tự nhiên như đề cập phía trên, sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào nước trời, nguồn nước từ các ao bàu nhỏ trên địa bàn xã để tưới cho cây trồng, nước uống cho gia súc. Nhiều hộ dân đã khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất bằng cách đào giếng, khoang giếng… nhưng mạch nước ngầm cũng không đủ. Vì vậy, người dân mong chờ được đầu tư hệ thống nước thủy lợi phục vụ sản xuất. Câu chuyện nước sản xuất ở Thiện Nghiệp để phát triển nông nghiệp và nâng mức thu nhập hơn cho người dân vẫn đang là bài toán chưa giải quyết. Thu nhập bình quân theo đầu người của xã Thiện Nghiệp là 50,1 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so với mức bình quân chung của toàn TP. Phan Thiết là 60,8 triệu đồng/người/năm, thấp hơn thu nhập bình quân theo đầu người của phường Hàm Tiến là 69,5 triệu đồng/người/năm, phường Mũi Né là 59,3 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, Thiện Nghiệp là xã giáp ranh của 2 phường Hàm Tiến và Mũi Né, được ví là “vùng đệm” của khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né.
Ông Trần Ngọc Hận - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp chia sẻ: Một khi có nước thủy lợi, người dân giảm sự lệ thuộc vào nước trời, chủ động trong sản xuất. Từ đó sẽ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, mức thu nhập bình quân theo đầu người cũng sẽ tăng theo.
Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, xây dựng công trình thủy lợi ở xã Thiện Nghiệp là khó do địa hình đồi cát cao, xa nguồn nước. Sở đã tính toán phương án bơm nước từ trạm bơm Lê Hồng Phong về xã Thiện Nghiệp, nhưng chi phí quá cao, không mang lại hiệu quả. Vì vậy, Sở đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đưa vào quy hoạch thủy lợi quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, chuyển nước từ thủy điện Đại Ninh về vùng ven biển phía Bắc tỉnh, trong đó có một phần diện tích của xã Thiện Nghiệp bằng đường ống - một dự án lớn và lâu dài.
Trước mắt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4884/KH-UBND về hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, xã Thiện Nghiệp được hỗ trợ 4.603 triệu đồng để thực hiện tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cây trồng cạn và kiên cố kênh nội đồng. Xã đã được bố trí 1.267 triệu đồng trong năm 2023 tại Quyết định số 140/QĐ-UBND ngày 18/1/2023 của UBND tỉnh, cũng đề nghị UBND xã Thiện Nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư để giải quyết phần nào nhu cầu nước sản xuất cho người dân.