Bà con vùng cao rất vui khi có hồ Sông Lũy

Kinh tế - Ngày đăng : 15:36, 28/02/2019

BT- Phan Lâm, Phan Sơn vốn là vùng cao của huyện Bắc Bình, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, một phần do hạn hán liên tục xảy ra. Tuy nhiên, trong buổi lễ khởi công xây dựng hồ chứa nước Sông Lũy mới đây, không khí nơi đây thật rộn ràng, bà con ai nấy đều phấn khởi, vì tương lai không xa, nước trên vùng đất khô hạn này sẽ đủ đầy…
                
Các phương tiện đã sẵn sàng để thi công hồ    Sông Lũy.

 Từ vùng đất khô hạn

Những năm qua, do ảnh hưởng hiện tượng El Nino nên lượng nước tích trữ vào các hồ chứa, công trình thủy lợi trong tỉnh không đảm bảo công suất thiết kế. Trong đó có các hồ phía Bắc tỉnh như hồ Lòng Sông, hồ Đá Bạc (Tuy Phong), hồ Sông Quao (Hàm Thuận Bắc), hồ Cà Giây, hồ thủy điện Đại Ninh (Bắc Bình) gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, nhất là về sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt... Hiện nay, diện tích đất canh tác được tưới trên tổng diện tích đất nông nghiệp của các huyện phía Bắc tỉnh đạt thấp. Tính đến năm 2018, huyện Tuy Phong là  3.178 ha/14.156 ha, đạt 22,45 %; huyện Bắc Bình 11.786 ha/ 82.912 ha, đạt 14,22 %; huyện Hàm Thuận Bắc 13.776 ha/ 61.272 ha, đạt 22,48 %. Nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống công trình hồ chứa nước có quy mô lớn để điều tiết tích trữ nước trong mùa mưa và cung cấp trong mùa khô.

Trong khi đó, tại lưu vực sông Lũy, lượng nước từ Thủy điện Đại Ninh và lưu vực tại chỗ chuyển về sông Lũy hàng năm khoảng 914 triệu m3/năm, nhưng dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết với nhiệm vụ cấp nước tưới 15.700 ha chỉ sử dụng khoảng 311 triệu m3/năm, chiếm 34% lượng nước sông Lũy, còn lại hơn 600 triệu m3/năm (khoảng 66%) do chưa có công trình điều tiết phù hợp phải xả ra biển. Đây là điều bất cập lớn, trong khi khu tưới Kênh chính Tây 16.300 ha, cùng với phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp huyện Tuy Phong khoảng 5.000 ha nằm về phía Bắc và huyện Hàm Thuận Bắc khoảng 12.000 ha nằm về phía Nam sông Lũy đang thiếu nước ngày càng trầm trọng.

 Công trình cấp thiết

Vì vậy, để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và nguồn nước dồi dào sau Thủy điện Đại Ninh của nguồn nước sông Lũy, việc triển khai thi công xây dựng hồ chứa nước Sông Lũy hết sức cấp thiết. Qua đó, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân tỉnh nhà mong đợi từ lâu nay. Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (chủ đầu tư), dự án hồ chứa nước Sông Lũy được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt với tổng mức đầu tư dự án 1.484 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục như đập chính, đập phụ, tràn xả lũ có cửa, tràn tự do, cống lấy nước... dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Mục tiêu của dự án là điều tiết nguồn nước sông Lũy và nguồn nước sau Nhà máy thủy điện Đại Ninh. Qua đó, nhằm cấp nước tưới ổn định cho diện tích đất canh tác, phục vụ dân sinh, công nghiệp và du lịch cho khu vực phía Bắc tỉnh. Góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với dung tích hồ gần 100 triệu m3, dung tích hữu ích 95,8 triệu m3 nước, công trình nhằm cấp nước tưới cho 24.200 ha đất canh tác, cấp nước phục vụ sinh hoạt và du lịch cho trạm bơm Lê Hồng Phong với lưu lượng 2 m3/s, duy trì dòng chảy môi trường các tháng mùa khô; giảm lũ hạ du; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt để cải thiện, nâng cao mức sống cho người dân trong vùng, kết hợp phát điện.

Để công trình đảm bảo tiến độ đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đề nghị các sở, ngành liên quan, thường xuyên quan tâm phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 7 tổ chức triển khai thi công công trình đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ được phê duyệt. Kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. UBND huyện Bắc Bình chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với UBND 2 xã Phan Lâm và Phan Sơn sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư…

K.Hằng