Trình Quốc hội xem xét áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện Dự án Hồ chứa nước Ka Pét

Chính trị - Ngày đăng : 18:51, 22/05/2023

BTO-Chiều nay 22/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

dung.jpeg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng 

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93 ngày 26/11/2019 nhằm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 93, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 541 giao nhiệm vụ UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Công tác điều tra, đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành vào tháng 12/2020, cập nhật kết quả kiểm tra hiện trạng rừng vào tháng tháng 4/2022.

220520230341-cqh_4482.jpeg
Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, hạng mục công trình chính là đập Bê tông trọng lực dài 163,4 m, chiều cao lớn nhất H = 28,5m, dung tích hồ chứa khoảng 51,21 triệu m3 thuộc công trình cấp II. Trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án hồ chứa thủy lợi có quy mô tương tự hoặc lớn hơn (Dự án hồ chứa nước sông Dinh 3, huyện Hàm Tân; Dự án hồ Sông Móng, huyện Hàm Thuận Nam).

Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép giao UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư dự án tương tự như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Nhằm sớm đưa dự án vào triển khai, đáp ứng sự cần thiết đầu tư, thúc đẩy giải ngân, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 đến hết ngày 31/12/2023; giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

huy.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra

*Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và hồ sơ Dự án là cần thiết. Ngoài ra, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và một số cơ quan của Quốc hội tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ, đề nghị Quốc hội xem xét cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, giao UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công để dự án sớm hoàn thành.

Lý giải cho đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, xét về quy mô và mức độ phức tạp, dự án chỉ tương đương nhóm B, hạng mục công trình cấp II, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều kinh nghiệm trong phê duyệt và triển khai thực hiện các công trình thuộc dự án có quy mô tương tự hoặc lớn hơn. Mặt khác, Bình Thuận là tỉnh Nam Trung Bộ luôn khô hạn, thiếu nước nên tỉnh rất quyết tâm sớm hoàn thành dự án, thể hiện qua việc đưa dự án vào Danh mục công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025; hạn chế chi tiêu, tập trung phần lớn nguồn dự phòng trung hạn 2021-2025 để đầu tư cho dự án này. Dự án được bố trí vốn từ nguồn vốn Ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tỉnh cũng dành nguồn dự phòng Ngân sách địa phương giai đoạn 2021- 2026 bố trí cho dự án này. Do đó, nếu không có cơ chế đặc thù thì dự án không thể hoàn thành trong năm 2025, dẫn đến khó khăn trong việc phân bổ vốn ở giai đoạn tiếp theo...

Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung này vào sáng 25/5 và thảo luận toàn thể tại hội trường vào sáng 30/5.

THU HÀ