Cao tốc liền mạch, du lịch biển - đảo thêm hút khách

Du lịch - Ngày đăng : 05:48, 23/05/2023

Chỉ trong 20 ngày, cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết lần lượt được thông xe đã nối liền mạch gần 150 km đi qua địa bàn Bình Thuận. Sự kiện này được ví như “cơ hội vàng” giúp địa phương đẩy mạnh khai thác hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, nhất là với ngành du lịch sẽ thêm điều kiện thuận lợi để vươn lên xứng tầm.

Tuyến cao tốc thông suốt chắc chắn có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội cho Bình Thuận trong thời gian tới, song trước mắt du lịch địa phương đã được hưởng lợi. Thực tế khi cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99 km, đi qua địa phận Bình Thuận gần 48 km) kịp thông xe ngày 29/4 đúng vào dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay đã góp phần cho ngành du lịch đón khoảng 160.000 lượt khách, tăng gấp đôi so năm ngoái. Tiếp sau dịp lễ, nhiều cơ sở lưu trú trên tuyến du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né và khu vực phía nam Phan Thiết vẫn có lượng khách đăng ký lưu trú ổn định vào mỗi cuối tuần nhờ giao thông thuận tiện hơn trước.

z4305567786918_329f12c51996f585c1992adfac6e9caa.jpg
z3612283677572_e2f5fc0ed5628623c256f0cf70bc213c.jpg
Có cao tốc đường bộ, điểm đến Bình Thuận thêm hút khách nhờ thế mạnh du lịch biển - đảo (Ảnh minh họa). 

Còn với cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) đưa vào sử dụng từ ngày 19/5 vừa qua đã chính thức nối liền mạch gần 150 km đi qua địa bàn Bình Thuận. Như vậy ô tô di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh sau khi đi hết cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết khoảng 2 tiếng đồng hồ sẽ đến nút giao Ba Bàu (Hàm Thuận Nam), nếu không vào Phan Thiết thì có thể chạy thẳng ra Tuy Phong để tham quan, khám phá vùng đất này… Có thể nói cơ hội đang rộng mở cho ngành “công nghiệp không khói” của Bình Thuận, bởi đây là điểm đến sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà đặc biệt là thế mạnh về du lịch biển - đảo (có 192 km chiều dài bờ biển và nhiều đảo, cù lao).

Hiện toàn tỉnh có gần 600 cơ sở lưu trú với khoảng 18.000 phòng, trong đó hàng chục khách sạn, resort đã được xếp hạng 3 - 5 sao cũng tạo lợi thế cạnh tranh hút khách nghỉ dưỡng cao cấp. Cùng với khí hậu ít mưa, nhiều nắng, đầy gió nên du lịch địa phương cũng thuận lợi trong việc đón khách quanh năm và có điều kiện phát triển các loại hình thể thao giải trí trên biển như lướt ván buồm, lướt ván diều, chèo SUP hoặc lặn biển ngắm san hô…

dl-3.jpg

Gần đây, du lịch Bình Thuận còn tạo sức hút hấp dẫn du khách khắp nơi với 2 “ngôi sao” mới nổi là Phú Quý (huyện đảo Phú Quý) và Cù Lao Câu (còn gọi Hòn Cau, thuộc huyện Tuy Phong). Các hòn đảo giữa bốn bề biển trời bao la với môi trường trong lành, cảnh quan còn giữ nét hoang sơ cùng hải đặc sản phong phú đã thôi thúc rất nhiều du khách xách ba lô “đi ngay và luôn”. Bên cạnh đó, công tác truyền thông và mạng xã hội cũng góp phần đưa Phú Quý và Cù Lao Câu trở nên “hot” hơn bao giờ hết, là địa chỉ ưu tiên hàng đầu mong được sớm trải nghiệm của nhiều du khách… Bởi vậy dự báo dịp hè 2023 tới đây với thời tiết nắng nóng, du lịch biển - đảo có thể “bùng nổ” khi lượng khách tiếp tục đổ dồn về các khu vui chơi, nghỉ dưỡng trên địa bàn Bình Thuận.

Anh Mạnh Cường (ngụ ở quận Tân Bình - TP. Hồ Chí Minh) cho biết gia đình và người thân trước đây từng nhiều lần ra Phan Thiết nghỉ dưỡng cuối tuần, nhưng việc di chuyển mất khá nhiều thời gian nên chỉ quanh quẩn ở “thủ đô resort”. Nay tuyến cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã nối liền mạch đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dự định gia đình sẽ thực hiện chuyến du lịch khám phá Hòn Cau ngay trong tháng sau…

Thuận lợi về giao thông đối ngoại và sức hút của du lịch biển - đảo không phải nơi nào cũng có được, vấn đề còn lại là địa phương, ngành chức năng và cộng đồng doanh nghiệp kể cả người dân cần nắm bắt để qua đó tận dụng tốt “cơ hội vàng”. Nhất là trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, chất lượng dịch vụ… để chung tay xây dựng, giữ vững hình ảnh và thương hiệu cho điểm đến Bình Thuận.

Đ.QUỐC