Công tác lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả

Chính trị - Ngày đăng : 05:23, 24/05/2023

Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tham dự về phía tỉnh có đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh.

0.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh dự kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội đánh giá khái quát về kết quả hoạt động lập pháp của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong phần kiến nghị cần nêu một số giải pháp đề nghị Chính phủ, các cơ quan, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm để triển khai thực hiện tốt chương trình năm 2024, phấn đấu hoàn thành định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ của Quốc hội.

230520230816-z4368432435677_0f3bfc1499fce51a8a71e826e2f517d6.jpeg

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội ghi nhận từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với tinh thần lập pháp chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa, công tác lập pháp của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Việc lập chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao về chất lượng và tiến độ.

Để việc xây dựng luật, pháp lệnh được đồng bộ, pháp luật nhanh chóng đi vào đời sống, đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn để trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh việc xây dựng chính sách pháp luật của các dự án luật phải cơ bản hoàn thành cùng với việc thông qua chương trình. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hình thành rõ ràng những cơ chế, chính sách ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh. Xem xét, duyệt và chịu trách nhiệm về các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình để Quốc hội thông qua chương trình, đồng thời cũng phê chuẩn các chính sách do Chính phủ đề xuất. Từ đó có điều kiện để giám sát việc luật hóa các chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh được sát hơn. Điều đó cũng góp phần thực hiện phương châm lập pháp chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa.

Bên cạnh đó, một số đại biểu nhấn mạnh, trong thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức khác đã thích ứng linh hoạt với tình hình, vượt qua khó khăn, tích cực, chủ động trong công tác lập và thực hiện chương trình, cơ bản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục phát huy các kết quả này, đặc biệt là công tác xây dựng pháp luật cần được chuẩn bị từ sớm, từ xa. Các chính sách được đề xuất phải nhằm kịp thời triển khai thực hiện Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, những chính sách này cần được bảo đảm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm được tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật...

Trong phiên làm việc chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi); Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi)...

T.HÀ