Quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 24/05/2023

Thực tế hiện nay, tình hình gây, nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, đa số phát triển một cách tự phát, có nhiều nhà yến xây dựng xen kẽ trong khu dân cư đã làm phát sinh tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng nhưng chưa được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.425 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến. Trong đó huyện Tuy Phong 84 cơ sở, Bắc Bình 321 cơ sở, Hàm Thuận Bắc 315 cơ sở, Đức Linh 335 cơ sở…

Việc quy định vùng nuôi chim yến nhằm hạn chế tình trạng người dân nuôi chim yến tự phát, không được kiểm soát, nhất là các trường hợp sử dụng nhà ở trong khu dân cư để nuôi chim yến, gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống người dân. Đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương phát triển nghề nuôi chim yến đảm bảo phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, góp phần định hướng nghề nuôi chim yến phát triển bền vững và lâu dài.

z4350791707369_1c80700d82d88de226c8a2a4fd357cbd.jpg
Một điểm nuôi chim yến tại Bình Thuận.

Tại kỳ họp thứ 14 – HĐND tỉnh khóa XI diễn ra vào trung tuần tháng 5/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/2023/NQ- HĐND ngày 9/5/2023 Quy định vùng nuôi chim yến; khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác; chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi chim yến, gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, quy định vùng nuôi chim yến từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành là vùng nằm ngoài khu vực quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này. Tổ chức, cá nhân có nhà yến đã xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành nằm trong khu vực quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này, nhưng tuân thủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ- CP của Chính phủ được phép tiếp tục duy trì hoạt động. Cụ thể, khu vực không được phép chăn nuôi gồm toàn bộ các phường Bình Hưng, Đức Long, Đức Nghĩa, Đức Thắng, Hàm Tiến, Hưng Long, Lạc Đạo, Mũi Né, Phú Hài, Phú Tài, Phú Thủy, Phú Trinh, Thanh Hải, Xuân An (TP. Phan Thiết); phường Phước Hội, Tân Thiện, Tân An và Bình Tân (thị xã La Gi); toàn bộ khu vực quy hoạch đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt tại thị trấn Liên Hương và thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong); thị trấn Lương Sơn và thị trấn Chợ Lầu (Bắc Bình); thị trấn Ma Lâm, thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc); thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam); thị trấn Tân Minh, Tân Nghĩa (Hàm Tân); thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh) và thị trấn Võ Xu, Đức Tài (Đức Linh). Tại huyện Phú Quý gồm toàn bộ khu trung tâm huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng các xã còn lại tại các huyện, thị, thành phố, bao gồm các khu vực xây dựng công trình công cộng, điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung xây dựng xã theo quy định. Các khu vực được quy hoạch phát triển nhà ở có trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vừa qua, ngay sau khi Nghị quyết số 04/2023/NQ- HĐND ngày 9/5/2023 của HĐND tỉnh về Quy định vùng nuôi chim yến; khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác; chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có hiệu lực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã có văn bản, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết này theo quy định.

K. Hằng