Tháng 5 về thăm Trường Dục Thanh
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 07:51, 24/05/2023
Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) và trong suốt tháng 5 này, người dân địa phương cùng hàng ngàn khách du lịch từ khắp mọi miền Tổ quốc đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Bác tại Khu di tích Dục Thanh - Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh tỉnh Bình Thuận - nơi Bác từng dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Khu di tích Dục Thanh - Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh tỉnh Bình Thuận là một công trình tưởng niệm, có ý nghĩa tinh thần vô giá của nhân dân Bình Thuận đối với Bác Hồ kính yêu. Nằm ở vị trí trung tâm thành phố Phan Thiết, bên dòng sông Cà Ty, Trường Dục Thanh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào ngày 12/12/1986. Đây là nơi ghi dấu sự kiện thời thanh niên của Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911. Bằng tâm huyết, tình cảm, Người đã truyền đạt những kiến thức văn hóa và khơi dậy tinh thần yêu nước cho các học trò của mình trước khi Người vào Sài Gòn, ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Trong dòng người về viếng Bác, ai nấy cũng muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác cũng như muốn tự tay thắp nén hương thơm lên bàn thờ Bác, tưởng nhớ công ơn to lớn của Người với đất nước, dân tộc Việt Nam.
Bà Lê Thị Hồng (du khách đến từ Hà Nội) cho biết, đến với Khu di tích Dục Thanh được nghe kể lại những câu chuyện rất đỗi bình dị của Bác năm xưa; được ngắm những hiện vật của Bác, càng giúp chúng tôi thêm yêu quý và tôn kính về Bác. Còn đối với em Nguyễn Bảo Ngọc (thành phố Phan Thiết) chia sẻ: “Thật là ý nghĩa khi chúng em được tự tay thắp hương lên bàn thờ Bác vào đúng dịp sinh nhật Người. Nhớ về Bác, chúng em nguyện sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện trở thành con ngoan trò giỏi”.
Trong tháng 5 này, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận tổ chức triển lãm ảnh tư liệu, ảnh nghệ thuật với chủ đề “Nét đẹp đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là những hình ảnh, tư liệu lịch sử quan trọng ghi lại những khoảnh khắc cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, triển lãm còn có không gian ảnh nghệ thuật giới thiệu về cảnh quan thiên nhiên, đất và người Bình Thuận đến với du khách. Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận, triển lãm nhằm tôn vinh, ngợi ca những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, thể hiện sự tôn kính và biết ơn vô hạn đối với Người. Qua đó, động viên cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân tích cực đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.
Ngoài ra, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận phối hợp với các đơn vị tổ chức các lễ báo công; chương trình giao lưu chuyên đề “Thăm trường xưa nhớ Bác”; tuyên dương thầy thuốc trẻ; chiếu phim tư liệu về Bác…
#####rHiện nay, Khu di tích Dục Thanh còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc như: bộ họa đàng trường kỷ, bộ ván gõ, chiếc án thư, tủ đứng, chiếc, tráp văn thư, nghiên mài mực… Đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với thời gian và lịch sử của những năm tháng dạy học ở Phan Thiết của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Trong khuôn viên khu di tích, còn có cây khế năm xưa thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường hay tưới nước, chăm sóc mà bây giờ người dân nơi đây gọi là Cây khế Dục Thanh hay Cây khế Bác Hồ...
Không chỉ trở thành “địa chỉ đỏ” để các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân sinh hoạt chính trị, giáo dục tư tưởng, ý thức của thế hệ trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà Khu di tích Dục Thanh trở thành điểm tham quan, du lịch không thể thiếu của du khách khi đến với Bình Thuận. Từ đầu năm 2023 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận đón hơn 69.000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập, trong đó có khoảng 150 lượt khách quốc tế.