Đầu tư xây dựng cơ sở du lịch ven biển: Tuân thủ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Kinh tế - Ngày đăng : 09:47, 27/02/2019

BT- “Kể từ thời điểm luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển xác định…”
                
   Ảnh: N.Lân

Từ thu hút đầu tư du lịch ban đầu

Hiện tượng nhật thực toàn phần năm 1995 diễn ra ở Phan Thiết khi ấy đã thu hút đông đảo khách du lịch trong, ngoài nước đến chiêm ngưỡng sự kiện độc đáo 100 năm mới có một lần. Từ đó tiềm năng du lịch ven biển hoang sơ lãng mạn của vùng đất này như được đánh thức. Lãnh đạo tỉnh bấy giờ tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển ngành “công nghiệp không khói” địa phương. Chính vì vậy, hàng trăm chủ đầu tư trong, ngoài nước đã tìm đến Phan Thiết lập dự án phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng ven biển (resort). Nhiều khu resort Hàm Tiến - Mũi Né đã hình thành, có hướng bờ biển, một lợi thế để thu hút du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng. Tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu ngang qua địa bàn phường Hàm Tiến ken dày resort không còn đường xuống biển. Đó là chuyện thu hút du lịch một thời đã qua… Hiện nay đối chiếu với Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, những resort, khu du lịch (KDL) ven biển Phan Thiết, cũng như các huyện, thị khác trong tỉnh đều phải tuân thủ theo quy định của luật này.  

Đến chấn chỉnh theo luật

Thời gian qua, một số cơ sở du lịch, resort ở phường Hàm Tiến có biểu hiện lấn chiếm bãi biển, tự tiện rào chắn bãi biển để phục vụ khách vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, làm nhiều người dân ở địa phương bất bình. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hồ Lâm cho biết, hiện nay bãi biển ở những KDL, resort trong tỉnh là đất công cộng do nhà nước quản lý được sử dụng vào mục đích chung nhằm bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển và phát huy lợi thế trong sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch biển ở Bình Thuận chấp hành tốt chính sách, pháp luật nhà nước, quy định của địa phương. Việc một số cơ sở lưu trú du lịch, resrot tự rào chắn bãi biển không thuộc phạm vi sử dụng hợp pháp riêng của cơ sở mình, trước hết đã vi phạm các luật hiện hành có liên quan, như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Sự việc trên đã được Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch kiểm tra, xử lý…

Ông Hồ Lâm nhấn mạnh, đặc biệt Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Chủ tịch nước công bố tại Lệnh số 10 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, trong đó Khoản 1, Điều 79 luật quy định điều khoản chuyển tiếp như sau: “Kể từ thời điểm luật này được công bố, giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo do UBND, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho đến khi hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập theo quy định của luật này”. Quy định luật trên chỉ trừ các trường hợp: xây dựng công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có biển triển khai giải pháp lập lại trật tự bãi biển. Đối với các dự án, công trình vi phạm, UBND tỉnh kiên quyết xử lý sai phạm theo quy định pháp luật…

Hiện nay, Sở Tài nguyên & Môi trường đang tập trung thực hiện dự án UBND tỉnh giao là thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên & Môi trường, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, theo quy định của luật. Trong khi trước đó, UBND TP. Phan Thiết cũng đã dành quỹ đất xây dựng một số đoạn đường nhựa xuống biển dọc khu vực du lịch Hàm Tiến - Mũi Né để người dân thuận tiện đi xuống tắm biển, đánh bắt hải sản.

Thái Khoa