Tiến tới kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Tuy Phong (1/6/1983 - 1/6/2023): Hệ thống giao thông đang mở lối đón nhà đầu tư
Xã hội - Ngày đăng : 07:40, 25/05/2023
Từng bước hoàn thiện giao thông
Thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa bây giờ đường nội ô được bê tông nhựa với những tuyến đường bàn cờ rộng rãi nhìn từ trên cao sẽ thấy nét đẹp rất riêng ít nơi nào có được. Còn con đường 2 chiều đi về khu du lịch Chùa Hang và bãi biển đá cuội đủ màu sắc Bình Thạnh đã làm hàng triệu lượt khách du lịch mê mẩn lòng đã đến thì ưa thích lưu trú mãi… Đó là một trong những thành quả mà lãnh đạo huyện Tuy Phong qua nhiều nhiệm kỳ không ngừng trăn trở, “gõ cửa” xin vốn ngân sách tỉnh, Trung ương đầu tư hạ tầng để tạo cho huyện có hạ tầng giao thông thông suốt kết nối liên xã, liên huyện để phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên một diện mạo mới cho Tuy Phong như hôm nay.
Một góc Tuy Phong
40 năm về trước, Tuy Phong còn nhiều khó khăn, người dân đa phần còn nghèo. Đường về các xã hầu như là cát trắng, nơi nào khá hơn một tí thì đường sỏi. Cả huyện chỉ có thị trấn Liên Hương, Phan Rí Cửa có vài tuyến đường nội ô là đường nhựa cấp phối nhưng cũng bị hư hỏng lồi lõm nên nhìn khá nham nhở. Khu du lịch Chùa Hang và bãi biển Bình Thạnh cách đây 20 năm về trước vẫn là tuyến đường sỏi, nhiều đoạn đường cát xe máy khó đi vô cùng, chứ không phải bây giờ đường nhựa 2 làn xe rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Còn nhớ vào khoảng năm 1996 – 1998, tôi và anh Nguyễn Trung Trực (hiện là Chủ tịch UBND huyện), lúc ấy anh làm cán bộ Ủy ban Dân số huyện, 2 anh em chở nhau trên chiếc xe máy “cà tàng” đi thực tế cơ sở ở các xã như Phú Lạc, Vĩnh Hảo, Hòa Minh để tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, vừa ghi nhận kết quả đạt được để nêu gương điển hình. Đường đi vốn đã ngoằn ngoèo lại là đường cát lún bánh xe cứ ì à ì ạch nhích từng tí một, có đoạn xe không chạy được 2 anh em phải cuốc bộ, gặp trưa nắng như đổ lửa nên mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm cả áo. Nhiều người dân biết anh Trực, gặp nhau sau câu chào hỏi đã thốt lên “Làm cán bộ huyện kiểu gì mà cực quá vậy, thấy thương quá!”…
Bây giờ không chỉ Phú Lạc, Vĩnh Hảo, Hòa Minh mà các xã của Tuy Phong đường giao thông nông thôn đã bê tông hóa, xóm nối thôn, xã nối xã liên thông bằng những tuyến bê tông thẳng tắp, tạo thuận lợi cho người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa… Theo Phòng Hạ tầng kinh tế, từ năm 2015 đến nay, từ nguồn đóng góp của người dân gần 13 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh và huyện đầu tư hơn 34 tỷ đồng, toàn huyện đã làm được 203 tuyến đường bê tông/35,5 km/10 xã, thị trấn…
Thị trấn Phan Rí Cửa.
Mở lối đón nhà đầu tư…
Với sự nỗ lực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, hệ thống giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện, tạo cho Tuy Phong có vùng nông thôn đổi mới qua từng ngày, từng tháng, từng năm. Song song với việc làm giao thông nông thôn, Tuy Phong còn chú trọng đầu tư vào các tuyến đường trọng yếu khác để tạo tiện lợi hơn trong lưu thông nhằm thu hút được các doanh nghiệp tìm đến đầu tư. Mặc dù là huyện có địa hình bất lợi khi cách xa trung tâm hành chính tỉnh về phía bắc cả trăm cây số. Nhưng Tuy Phong đang có lợi thế là có Cảng biển Vĩnh Tân, có tuyến đường quốc lộ 1A đi qua đã nâng cấp, mở rộng, có tuyến đường trục ven biển kết nối từ Liên Hương – Phan Rí Cửa – Phan Thiết. Cùng với đó là tuyến đường Liên Hương – Phan Dũng, quốc lộ 1A – Nha Mé, Phong Phú; quốc lộ 1A – Cây Cám, Hòa Minh; quốc lộ 1A – Cửa Sứt, Phước Thể; quốc lộ 1A – Hầm Đá - Vĩnh Tiến - Vĩnh Tân; Cầu Sông Lũy (cầu Hòa Phú)… Các công trình giao thông đã kết nối các vùng sâu, vùng xa với khu vực trung tâm, khắc phục tình trạng chia cắt ở các khu vực Hòa Phú – Phan Rí Cửa, Phan Dũng, Cây Cám – Hòa Minh, Cửa Sứt - Phước Thể, Xóm 1C và khu vực Sân Xe Chùa – Vĩnh Hảo… Đặc biệt mới đây tuyến cao tốc đường bộ Bắc – Nam Vĩnh Hảo – Phan Thiết vừa đưa vào khai thác kết nối với cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam sẽ rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, tạo cơ hội để huyện thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả Cảng quốc tế Vĩnh Tân và phát triển dịch vụ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết sẽ tạo cơ hội mới cho Tuy Phong tăng tốc phát triển kinh tế…
Ông Nguyễn Trung Trực – Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, cho biết: Ngoài tuyến đường Hòa Phú - Hòa Thắng hiện có kết nối với Khu du lịch quốc gia Mũi Né (Phan Thiết), tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết sẽ mở ra cơ hội mới cho huyện. Bởi khu vực này có điểm nối với quốc lộ 1 - Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân - Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, khu công nghiệp kết nối giữa đường bộ, đường biển và đường sắt, tạo động lực mới cho huyện phát triển đồng bộ chuyển dịch kinh tế là công nghiệp - dịch vụ - thương mại - du lịch và nông lâm thủy sản…
Giao thông đối nội, đối ngoại ở Tuy Phong đến thời điểm này đã tương đối thuận lợi. Vấn đề còn lại là chính sách thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, để làm được điều này không chỉ huyện mà cần có sự trợ giúp của các ban, ngành và UBND tỉnh. Giải được bài toán này, vùng đất Tuy Phong sẽ góp phần làm sinh động thêm mảng kinh tế công nghiệp - dịch vụ - thương mại - du lịch ở phía bắc tỉnh…