Đường ngắn lại, cạnh tranh tăng lên

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:03, 26/05/2023

Tuần qua, bài báo “Hành khách bức xúc vì nhà xe không đi tuyến cao tốc” là vấn đề được nhiều người chia sẻ, bình luận trên BinhThuan online. Có thể hiểu được tâm lý háo hức và hụt hẫng của người dân, khi bao năm nay mong chờ có cao tốc để việc đi lại thăm khám, chữa bệnh, học hành, làm ăn, thăm người thân… được nhanh chóng, thuận lợi, an toàn.

Nhưng nay có cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết rồi mà vẫn phải đi - về thành phố trên tuyến quốc lộ cũ, mất gấp đôi thời gian. Nhưng cũng phải chia sẻ với khó khăn của nhà xe, khi họ phải trả, đón khách, vận chuyển hàng hóa dọc đường, để bảo đảm lợi ích kinh doanh.

thong-tuyen-cao-toc-dau-giay-phan-thiet-13-9943.jpg
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.

Nhưng dù có thế nào thì theo quy luật “có cầu ắt có cung”, trước nhu cầu cao của hành khách đi tuyến cao tốc, nhiều nhà xe ở Phan Thiết đã tính toán mở thêm các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (lượt đi - lượt về), đồng thời công khai minh bạch lịch trình, giá vé cho hành khách tùy ý lựa chọn.

Không chỉ các nhà xe, mà các công ty du lịch cũng phải thiết kế lại các tour tuyến du lịch, do có thêm thời gian khi có cao tốc. Ví dụ các tour du lịch từ TP. Hồ Chí Minh -Phan Thiết phải làm mới lại sản phẩm do khách đến sớm hơn. Trước kia với tour đi quốc lộ, thời gian di chuyển khoảng 5 giờ, khách từ thành phố khởi hành từ buổi sáng, dừng ăn trên đường đi, tới 14 giờ mới nhận phòng. Nay có cao tốc thời gian di chuyển rút ngắn còn một nửa, các công ty du lịch phải bổ sung thêm các hoạt động tham quan, trải nghiệm cho khách.

Hay là tour một ngày, trước kia chỉ có ở Vũng Tàu, nay ở Phan Thiết đã có. Du khách xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh đến Phan Thiết tắm biển, ăn sáng, nghỉ trưa, tham quan, rồi chiều tối về lại thành phố. Trên mạng, nhiều công ty đang chào bán tour “mới - hấp dẫn - giá rẻ” TP. Hồ Chí Minh - Phan Thiết – Mũi Né trọn gói đi - về trong ngày giá chỉ 590.000 đồng/người, rất phù hợp túi tiền thời buổi kinh tế khó khăn này. Du khách được trải nghiệm cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vừa mới khánh thành, vừa được tắm biển Phan Thiết, ăn hải sản tươi ngon, thăm thú các điểm du lịch nổi tiếng như: núi Tà Cú, hải đăng Kê Gà, Novaworld Phan Thiết, suối Tiên, đồi cát bay, Bàu Trắng, tháp Chăm Pô Sha Inư, Lầu Ông Hoàng, lâu đài rượu vang, Sea link Mũi Né… tùy theo tour khách chọn lựa.

Tương lai gần, tuyến QL 28 và 28B được nâng cấp, thì tam giác du lịch “chợ Bến Thành - hoa Đà Lạt - biển Mũi Né” sẽ rất gần nhau. Khách từ TP. Hồ Chí Minh ra Phan Thiết tắm biển, ăn hải sản, rồi về lại thành phố, hoặc đi tiếp lên Đà Lạt rất gần.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ tiếp tục vươn ra, đưa TP. Hồ Chí Minh tới gần hơn Phan Rang, Cam Ranh, Nha Trang, Đà Nẵng… Đường ngắn lại, cạnh tranh tăng lên. Có tờ báo ở TP. Hồ Chí Minh đã giật tít: “Có cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, du khách liệu có bỏ rơi Vũng Tàu?”. Nhưng cộng đồng mạng cũng chia sẻ những điểm cộng và trừ của hai điểm đến cuối tuần này, như sau:

Phan Thiết - Mũi Né có nhiều bãi biển hoang sơ, chưa bị bê tông hóa, biển sạch hơn, khách sạn rẻ hơn, đồ ăn (hải sản) rẻ hơn, ít sợ bị “chặt chém”.

Nhưng cơ sở hạ tầng, dịch vụ của Phan Thiết chưa thể hoàn chỉnh bằng Vũng Tàu. Nhất là về đêm Phan Thiết không đông vui, nhộn nhịp như Vũng Tàu. Nói nôm na là ai muốn du lịch nghỉ dưỡng, ở resort thì ra Phan Thiết, còn ai muốn vui chơi thì ra Vũng Tàu (có nhiều dịch vụ giải trí về đêm đáp ứng nhu cầu du khách). Giống như người thích ở nơi yên bình, người lại mê chốn phồn hoa đô hội vậy.

Càng cạnh tranh, du khách càng được hưởng lợi. Mỗi điểm đến phải tự nhìn nhận, đánh giá ưu - khuyết của mình, sớm khắc phục các yếu kém, để phục vụ khách tốt hơn. Đang có nhiều kỳ vọng du lịch Bình Thuận sẽ bứt phá sau khi có cao tốc, nhưng như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nói trong lần về Bình Thuận làm việc mới đây: Cao tốc chỉ tạo ra động lực, muốn làm giàu, địa phương phải nỗ lực.

KHÔI NGUYÊN