Cân nhắc quy định phù hợp với các giao dịch trực tuyến
Chính trị - Ngày đăng : 14:37, 26/05/2023
Đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, ĐBQH tại kỳ họp thứ 4 và Hội nghị ĐBQH chuyên trách tháng 4 vừa qua, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đã góp ý về quy định Thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng tại Điều 17 dự thảo Luật. Theo đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng cần cân nhắc quy định tại khoản 1 vì không phù hợp với các giao dịch điện tử. Khi thực hiện giao dịch thương mại trên nền tảng trực tuyến thì thông tin người tiêu dùng là một trong những nội dung bắt buộc để có thể thực hiện giao dịch, thường là các thông tin về họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thẻ ngân hàng hoặc tài khoản cho phép thanh toán… để cơ quan chức năng dễ quản lý việc các trang mua bán trực tuyến sử dụng thông tin của người tiêu dùng không đúng với thông báo.
Mặt khác, khi tiến hành giao dịch thương mại điện tử thì những thông tin cần thiết phải được điền vào các thông số để thực hiện giao dịch. Ngoài ra, trong quy định của dự thảo luật có ghi là thông báo rõ ràng, công khai bằng hình thức phù hợp, cụm từ “bằng hình thức phù hợp” cũng còn mang tính định tính, khó đảm bảo tính khả thi. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần xem xét, điều chỉnh để thể hiện trong dự thảo Luật sát, đúng với thực tiễn.
Tại Điều 34, đối với việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra; đại biểu Thông cho rằng, thời gian qua, quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm ngày càng đạt chất lượng cao hơn. Nhiều trường hợp sản phẩm không đạt chất lượng như quy định, khi nhận được tin báo từ người dân, cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc kiểm tra, làm việc với doanh nghiệp. Từ đó, có biện pháp xử lý và thông tin kết quả xử lý đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng khắc phục và hỗ trợ người tiêu dùng. Tuy nhiên, có nổi lên một số trường hợp việc kiểm tra, xác minh chất lượng sản phẩm rất lâu.
Ngoài ra, biện pháp khắc phục của doanh nghiệp cũng chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật, nhất là các sản phẩm có giá trị lớn như xe ô tô, các thiết bị điện tử công nghệ cao... Đến khi báo chí, cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ quan liên quan vào cuộc thì doanh nghiệp mới thực hiện đúng các cam kết với người tiêu dùng. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít và người tiêu dùng phải mất khá nhiều thời gian, tiền bạc, đi lại nhiều lần… thì mới nhận được kết quả thuận lợi. Riêng đối với các sản phẩm có giá trị không cao, người tiêu dùng càng khó yêu cầu doanh nghiệp bảo hành sản phẩm hoặc chi phí bỏ ra để được bảo hành sản phẩm còn cao hơn giá sản phẩm. Do đó, đại biểu Thông đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định ràng buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh mà có hàng hóa khuyết tật, sản phẩm bị lỗi thì phải bồi thường cho người tiêu dùng trong một thời hạn nhất định.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cảm ơn các ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu góp ý tâm huyết, xác đáng, cụ thể, bao quát các nội dung lớn của dự thảo luật. Phát biểu của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5...