Phát huy vai trò các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường
Đời sống - Ngày đăng : 05:31, 30/05/2023
Xây dựng nhiều mô hình phù hợp
Toàn tỉnh hiện có 8 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Bàlamôn giáo, Hồi giáo Bà ni, Tịnh độ cư sĩ Phật hội, Baha’i. Thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2022, qua thực tiễn, với nhiều phương pháp, cách làm chủ động, linh hoạt, các tổ chức tôn giáo trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, được biểu dương, khen thưởng và nhân rộng.
Tiêu biểu, đối với Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo và Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni đã thành lập mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” tại xã Phan Thanh và xã Phan Hiệp (huyện Bắc Bình). Tại các cơ sở thờ tự Phật giáo huyện Bắc Bình xây dựng mô hình điểm “Cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đối với Công giáo có mô hình “Tuyến đường văn minh đô thị” trong vùng đồng bào có đạo tại khu phố 1, thị trấn Tân An (thị xã La Gi); mô hình “Giáo xứ không có thanh thiếu niên vi phạm pháp luật” của Giáo xứ Tư Tề, xã Đức Tín (huyện Đức Linh). Thông qua xây dựng mô hình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở các địa phương đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tắm, công trình vệ sinh hợp lý; nước thải, rác thải được thu gom, xử lý đảm bảo đúng quy định... mang lại lợi ích thiết thực trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của nhân dân.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 cho đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, cơ sở Phật giáo trong và ngoài tỉnh kịp thời hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các vùng bị ảnh hưởng do nắng hạn, mưa lũ, bão trong tỉnh với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Ký kết chương trình phối hợp
Bên cạnh những mặt đạt được, hiện nay vệ sinh môi trường ở một số khu dân cư chưa bảo đảm, nhất là tại một số địa bàn nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng hộ dân thải nước ra đường giao thông nông thôn, vứt thải rác sinh hoạt, thả rông thú chăn nuôi trong khu dân cư... còn diễn ra. Cùng với đó, Bình Thuận được xem là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu toàn cầu… Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, mới đây Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2026.
Theo đó, các đơn vị phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, hình thành thói quen bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong cuộc sống hàng ngày của các tổ chức tôn giáo và tín đồ, đồng bào có đạo, nhân dân. Cùng với việc khuyến khích tổ chức tôn giáo, đồng bào có đạo tăng cường sử dụng, khai thác nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các đơn vị phối hợp nhân rộng mô hình hiệu quả, điển hình về bảo vệ môi trường tại cơ sở tôn giáo, mô hình cộng đồng tôn giáo với nhiều giải pháp…
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Trí khẳng định: Chương trình ký kết này nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của các tổ chức tôn giáo. Từ đó, cổ vũ, động viên tín đồ, đồng bào có đạo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, góp phần xây dựng môi trường ngày càng xanh - sạch - an toàn. Đồng thời, thực hiện có kết quả chủ đề của Tỉnh ủy phát động về “Chỉnh trang đô thị, giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp” trong năm 2023 và những năm tiếp theo.