Mực nước hồ xuống thấp, huy động nhiệt điện bù đắp

Kinh tế - Ngày đăng : 05:28, 31/05/2023

Thời gian qua, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết; 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa.

 Các hồ thủy điện ở tỉnh ta và khu vực lân cận như hồ Hàm Thuận, hồ Đại Ninh cũng nằm trong tình trạng ấy, thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho hồ thủy điện.

img_2608.jpg
 Các kỹ sư NMNĐ Vĩnh Tân 4 vận hành tại trung tâm điều khiển hệ thống điện

Bộ Tài nguyên & Môi trường nhận định với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung bộ được dự báo thấp hơn từ 15 - 35%, khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ thấp hơn từ 15 - 40%, khu vực Tây nguyên thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn sẽ diễn ra nghiêm trọng.

Trong tình hình như vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động tối đa các nguồn khác để bù vào, như nhiệt điện than; nhiệt điện khí; năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối); bù cho nguồn thủy điện giảm. Trong thời gian này, điện sản xuất của EVN và các tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đóng vai trò then chốt sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Trong đó có đóng góp đáng kể của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân cho hệ thống khu vực phía Nam.

evn19012020.jpg
 Đảm bảo điện mùa nắng nóng

Tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân với tổng công suất thiết kế 4.284 MW, lớn nhất cả nước, EVN đã huy động công suất tối đa các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động ở đây. Ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 4 cho biết: “Từ tháng 5 trở lại đây, theo huy động của EVN, NMNĐ Vĩnh Tân 4 đã đưa 3 tổ máy S1, S2 (Vĩnh Tân 4), S3 (Vĩnh Tân 4 mở rộng), tổng công suất 1.800 MW vào vận hành liên tục. Theo đó, các bộ phận công nhân đã chia 3 ca (5 kíp) túc trực, vận hành các tổ máy hoạt động 24/24h. Nhà máy đã chủ động thực hiện ký kết các hợp đồng cung cấp than cho 3 tổ máy hoạt động, cung cấp điện cho hệ thống quốc gia ở phía Nam”. Cùng đó, ông Đỗ Huỳnh Phong, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân (chủ quản Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2) cho hay, công ty đã chủ động hợp đồng mua nguyên liệu than, trùng tu 2 tổ máy duy trì phát liên tục công suất 622 MW/tổ máy, theo huy động từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia. Trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng điện đã đạt hơn 3,4 tỷ kWh, hiện nguồn than vẫn đảm bảo cho nhà máy hoạt động trong thời gian tới để phát điện lên lưới quốc gia.

sua-chua-dien-khi-nang-nong.jpg
 Sửa chữa điện để truyền tải thông suốt

Trong khi đó, ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (NMNĐ BOT Vĩnh Tân 1) chia sẻ: “Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 1 hiện luôn được EVN huy động ở mức công suất đầy tải 620 MW cho cả 2 tổ máy. Để góp phần đảm bảo cung ứng điện trong nước vào giai đoạn này, Công ty BOT luôn chủ động giám sát công tác vận hành của các tổ máy, không để xảy ra sự cố dừng máy hay sụt giảm công suất. Đội ngũ công nhân vận hành được bố trí hợp lý, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trực sản xuất nhưng vẫn giữ sức khỏe. Lượng than tồn trong kho khoảng 200.000 tấn, tương đương mức vận hành đầy tải của 2 tổ máy trong 14 ngày liên tục. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã luôn hỗ trợ và đồng hành cùng nhà máy trong công tác đảm bảo cung cấp nhiên liệu”.

Ngoài ra, các nhà máy điện mặt trời trong tỉnh phát điện thương mại cũng được EVN huy động công suất cao, thêm nguồn năng lượng sạch. Tất cả các nhà máy điện ở Bình Thuận đang nỗ lực vận hành đưa lên đường dây quốc gia, góp phần cho nguồn điện đang thiếu hiện nay.

“Nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt mùa nắng nóng vào các tháng 5, 6, 7 (ngày 6/5/2023, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần và ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 nhưng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới ~895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5/2022)”.

Thái Khoa