Chống ô nhiễm nhựa: Không hành động, tới 2050 nhựa sẽ nhiều hơn cá

Trong nước - Ngày đăng : 12:09, 04/06/2023

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, một trong những giải pháp để phát triển bền vững tài nguyên biển và hải đảo là áp dụng rộng rãi các giải pháp "chống ô nhiễm nhựa."
406btkhanh.jpg

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, từ năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Kể từ đó đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường; tăng cường tái chế, tái sử dụng và tuần hoàn chất thải nhựa.

“Một lần nữa “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” với trọng tâm thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution) tiếp tục được lựa chọn là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2023. Thông điệp này cùng với chủ đề “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi” của Ngày Đại dương thế giới đã truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; nhấn mạnh vai trò của đại dương, cuộc sống của nhân loại phụ thuộc vào đại dương; nhân loại cần chung tay hành động bảo vệ đại dương cũng như toàn bộ hành tinh xanh của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển.

Nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng. Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động tham mưu Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người; các chính sách, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Đồng thời, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống được triển khai đồng bộ trên cả nước; nhiều phong trào phòng, chống rác thải nhựa được phát động thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

"Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đã và đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay.

406lephatdong.jpg

Toàn cảnh lễ phát động.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.

Trong đó, thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển; coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa...

Tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển.

Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy. Triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Song song với đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân; xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hoá gắn bó, thân thiện với biển; phát triển các thiết chế văn hoá cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hoá dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, xây dựng văn hoá biển.

Các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng cần tích cực tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa cho cộng đồng, phát hiện và biểu dương những tấm gương, mô hình, cách làm hiệu quả trong quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo để tạo sức lan tỏa, thắp sáng nỗ lực chung của toàn xã hội.

“Tôi tin rằng, với tinh thần cầu thị trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế và sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực trong nội bộ, chúng ta sẽ đạt được những thắng lợi nhất định trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của biển, thực hiện phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho Việt Nam ta tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai “sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với biển, 28 tỉnh ven biển là nơi sinh sống của một nửa dân số đóng góp khoảng 60% GDP của quốc gia.

"Tuy nhiên, chúng ta đã và đang lấy đi nhiều hơn là trả lại. Các đại dương và vùng đất trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, các hoạt động kinh tế biển không bền vững, suy thoái đa dạng sinh học, rác thải nhựa đại dương. Đến năm 2050, nếu vẫn chưa có hành động thiết thực, ngoài biển có thể sẽ có nhiều nhựa hơn là cá. Một đại dương khoẻ mạnh và môi trường trong sạch sẽ là những nguồn lực quan trọng cho sự phục hồi kinh tế xanh. Theo báo cáo năm 2022 của UNDP, bằng cách áp dụng kịch bản xanh lam, GDP của các ngành kinh tế biển của Việt Nam có thể tăng hơn 1/3 vào năm 2030", bà Ramla Khalidi khẳng định.

Đại diện Tổ chức phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường nỗ lực chuyển đổi hướng tới nền kinh tế biển bền vững thông qua đẩy nhanh quy hoạch không gian biển. Quy hoạch không gian biển là cần thiết để khai thác tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi rất lớn của Việt Nam, khi được hiện thực hoá có thể góp phần đáp ứng các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng trong Quy hoạch điện 8 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26.

Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục không ngừng nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương. Đặc biệt, tất cả các bên liên quan từ Chính phủ, cộng đồng, người dân, doanh nghiệp cần cam kết và thực sự hành động.

H Lan (tổng hợp)