Bình Thuận tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Kinh tế - Ngày đăng : 05:24, 08/06/2023
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh thì tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Bình Thuận là 4.868.977 triệu đồng. Ngay sau khi có thông báo, UBND tỉnh đã phân bổ vốn đúng theo quy định Luật Đầu tư công, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương cũng như Nghị quyết của HĐND tỉnh giao cho các sở ngành, địa phương, chủ đầu tư triển khai thực hiện. Đồng thời việc phân bổ vốn đầu tư công năm 2023 được đảm bảo tập trung, không phân tán, dàn trải và chỉ giao kế hoạch vốn đối với trường hợp dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, tỉnh còn tập trung ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, phát huy hiệu quả các dự án quan trọng hoặc dự án kết nối, có tác động liên vùng và có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Thời gian qua, Bình Thuận cũng dành bố trí đủ vốn cho dự án đã phê duyệt quyết toán và trường hợp chuyển tiếp, hoàn thành trong năm nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Hoặc bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo tiến độ được phê duyệt, vốn trả nợ gốc vay lại dự án ODA…
Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, còn lại mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Trong đó ưu tiên cho những công trình có tính chất liên vùng, giao thông, thủy lợi cấp bách, phòng chống thiên tai, xử lý sạt lở bờ biển, cấp nước sinh hoạt, y tế, giáo dục...
Tính đến ngày 12/5/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại Bình Thuận là 1.263.930 triệu đồng, đạt 25,96% kế hoạch Chính phủ giao đầu năm và đạt hơn 35% so kế hoạch vốn được giao, cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân cả nước (4,54%). Dự ước đến mốc thời gian 30/6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của địa phương đạt 48,42% kế hoạch. Trong đó: Vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước, vốn ngân sách Trung ương trong nước, vốn từ nguồn thu sử dụng đất khối tỉnh và khối huyện đều vượt mức hơn 50% kế hoạch… Đối với 8 công trình trọng điểm của tỉnh (có tổng kế hoạch vốn năm nay là 360.150 triệu đồng), dự ước giải ngân đến ngày 30/6/2023 đạt 20,46% so kế hoạch.
Từ nay đến hết năm 2023, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao đạt kết quả cao, sớm đưa các công trình vào sử dụng để phát huy hiệu quả đầu tư. Theo đó, UBND tỉnh vừa chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư triển khai một số nội dung liên quan như chủ động xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý, ban hành giải pháp và tập trung tiến độ giải ngân vốn. Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án, gắn trách nhiệm của lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân từng dự án được phân công...
Riêng những công trình khởi công mới năm 2023 thì khẩn trương thực hiện công tác đấu thầu xây lắp, thời gian thực hiện chậm nhất trong tháng 6 này để sớm triển khai thi công và giải ngân kế hoạch vốn được giao. Còn với dự án ODA, các chủ đầu tư chủ động làm việc cơ quan Trung ương, nhà tài trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ thủ tục và phối hợp sở ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng. Qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công để sớm giải ngân hết kế hoạch vốn được phân khai…
Theo yêu cầu của UBND tỉnh, trường hợp dự án vướng giải phóng mặt bằng thì chủ đầu tư phải tích cực, chủ động phối hợp sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh công tác kiểm kê, xác định tính pháp lý, áp giá đền bù cho tổ chức, cá nhân để sớm bàn giao mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công công trình...