Khi Quốc hội bàn vấn đề “trách nhiệm”
Chính trị - Ngày đăng : 05:30, 08/06/2023
Trong những ngày qua, khi nghị trường của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV nóng lên với nội dung “cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm”, dẫn đến chậm trễ, đình trệ hoạt động công vụ, gây bức xúc trong nhân dân, đồng thời cản trở động lực phát triển... Cùng với nhiều giải pháp đặt ra, thì hơn lúc nào hết chúng ta càng phải nhớ tới lời Bác dạy cán bộ năm xưa về tinh thần trách nhiệm, để xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Lời Bác năm xưa…
Ngày 18/1/1949, trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, khi nói về nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến... đồng chí ta phải học lấy 4 đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính”. Thật vậy, quần chúng nhân dân chỉ quý mến những người cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đối với đời sống của người dân. Nhân dân lao động, quần chúng ngoài Đảng thường nghe đảng viên nói và nhìn hiệu quả công việc đảng viên làm mà xem xét tư cách, đánh giá năng lực của người đảng viên. Làm cán bộ phải biết yêu thương dân, kính trọng dân, giúp đỡ dân, thực tâm giải thích và hướng dẫn cho nhân dân khi dân chưa hiểu rõ vấn đề… để từ đó có thể hiểu được lòng dân, biết được ý của dân, để được dân tin tưởng, nghe theo và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước. Ngược lại, nếu không yêu thương dân, không thực tâm lo lắng cho lợi ích của nhân dân mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, thì đó là người cán bộ, đảng viên không có đạo đức cách mạng, không có ý thức trách nhiệm đối với Nhà nước và nhân dân...
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao ý thức trách nhiệm được biểu hiện cụ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, trong công việc phải làm. Khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, dù khó hay dễ, người cán bộ cũng đều phải tự giác làm cho đến nơi, đến chốn. Nếu làm một cách cẩu thả cho qua chuyện, dễ thì làm khó thì bỏ là biểu hiện của người cán bộ không có tinh thần trách nhiệm đối với tổ chức, đối với quần chúng nhân dân. Là công chức, dù ít dù nhiều đều có quyền hành, “cấp cao quyền to, cấp thấp quyền nhỏ”. Có quyền mà xa dân, làm việc theo kiểu quan liêu, mệnh lệnh, không dân chủ thì sớm muộn nhất định sẽ thất bại. Có quyền mà nhận thức đúng đắn rằng quyền lực đó là của dân và nhân dân giao phó quyền lực đó cho mình, thì sẽ làm hết trách nhiệm đối với nhân dân. Trong công tác, người cán bộ đảng viên nói chung phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đề ra. Từ đó, căn cứ tình hình thực tế của cơ sở, mà vạch ra kế hoạch rõ ràng, thiết thực và vận động, tổ chức cho nhân dân thi đua thực hiện. Đồng thời, phải tiến hành bàn bạc với dân, tiếp thu sáng kiến của dân và hoan nghênh dân phê bình để có thể đi đúng đường lối nhân dân… “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Nhận diện để khắc phục…
Tại Bình Thuận, khi nói về công tác cán bộ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thẳng thắn nêu lên: “Chúng ta lâu nay không nhận thấy một điểm nghẽn rất quan trọng, nhưng nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn thì giải quyết được; không cần tiền, không cần sự hỗ trợ của Trung ương; đó là những tắc trách trong triển khai chính sách pháp luật của Nhà nước, đó là việc cụ thể hóa các chính sách địa phương, thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước. Những vấn đề này thuộc chủ quan của chúng ta, trong đó nhân tố con người, mà cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức có ý nghĩa quyết định, chúng ta cần xem đây là nút thắt, điểm nghẽn là sự cản trở lớn do sự chủ quan mà chúng ta tạo ra để có biện pháp hữu hiệu khắc phục…”. Và trong bài viết tham gia Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 – Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức, một lần nữa, vấn đề con người cũng đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặt lên hàng đầu, đó là: “… Một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của Bình Thuận, là hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và nhân tố con người. “Điểm nghẽn” này xuất phát từ nhân tố con người, đang được tỉnh Bình Thuận đặt ở vị trí ưu tiên khắc phục hàng đầu, bởi nếu không cải thiện thực trạng trên, những giải pháp khác sẽ khó đem lại hiệu quả”. Từ nhận định của người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, chúng ta nhận diện được rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một phần đó là hệ quả của thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Từ đó xuất hiện một số cán bộ, đảng viên né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, không có ý thức hết lòng vì nước vì dân, không làm tròn chức trách nhiệm vụ được giao; chọn việc dễ bỏ việc khó; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân… Tình trạng này cần phải được khẩn trương khắc phục.
Nhìn rộng hơn cả nước, khi nghị trường của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV nóng lên với nội dung “cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm”, dẫn đến chậm trễ, đình trệ hoạt động công vụ, gây bức xúc trong nhân dân, đồng thời cản trở động lực phát triển… Nhiều ý kiến, giải pháp đã được đặt ra, song tổng quan chung thì ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, công chức luôn là yếu tố quyết định. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, công chức, những công bộc của nhân dân phải không ngừng học tập và làm theo lời Bác dạy: “... Chỉ khi đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên thường xuyên học tập, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân, thì đất nước ta mới có thể vượt qua được khó khăn, thách thức, để tiếp tục phát triển và không ngừng cải thiện đời sống cho nhân dân. Tổ quốc Việt Nam luôn cần thật nhiều cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt và có trí tuệ tiến bộ, kiên trung với lý tưởng của Đảng, để tổ chức Đảng cầm quyền luôn có thể đứng vững và không ngừng phát triển theo đúng nghĩa vì nước, vì dân...”. Lời của Bác dạy năm xưa vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay và mai sau, không chỉ khi Quốc hội bàn vấn đề “trách nhiệm”.