Cảnh báo ngộ độc botulinum từ thực phẩm

Y tế - Ngày đăng : 05:43, 08/06/2023

Thời gian qua, một số trường hợp ngộ độc thực phẩm trong nước phải nhập viện và có tử vong do ngộ độc botulinum. Trong đó, 4 nhóm thực phẩm quen thuộc hàng ngày dễ gây ngộ độc botulinum.

Lo ngại từ thực phẩm hàng ngày

Điểm lại một số trường hợp ngộ độc thực phẩm trong nước phải nhập viện và có tử vong sau khi ăn đồ đóng hộp, mắm ủ chua, chả lụa… nghi do ngộ độc botulinum. Cụ thể, tháng 5/2023, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 1 số ca ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa, mắm. Tháng 3/2023, 1 số người ở Quảng Nam bị nghi ngộ độc botulinum sau khi ăn mắm cá chép ủ chua. Trước đó, năm 2020, các bệnh viện tuyến trên điều trị những ca bệnh nguy kịch nghi do ngộ độc thực phẩm pate chay. Tác nhân chính có trong pate chay gây ra ngộ độc là botulinum.

tai-xuong.jpg
Đồ hộp, đồ đóng gói sẵn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo 4 nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc botulinum cho con người gồm: đồ hộp đóng gói sẵn, các sản phẩm thịt chế biến sẵn, các loại rau củ lên men và thực phẩm không được nấu chín. Điều đáng lo ngại là độc tố botulinum dễ tiềm ẩn trong nhiều thực phẩm quen thuộc hàng ngày.

Theo các chuyên gia nguyên nhân của loại ngộ độc này là xuất phát từ việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm ở dạng đóng gói kín (chai, lọ, lon, hộp, túi) không đảm bảo an toàn dẫn tới có mặt một số loại vi khuẩn phát triển và sinh độc tố botulinum. Độc tố này có 7 type A, B, C, D, E, F, G và thế giới chỉ có 3 loại thuốc giải độc tố botulium. Tuy nhiên, thuốc giải độc tố botulinum được xếp vào thuốc hiếm trên toàn cầu, không dễ mua và giá thành khá đắt với hơn 6.000 USD/lọ.

Được biết, với 4 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo trên, hầu như nhà nào cũng có thể tìm thấy ở khu bếp ăn. Thời gian qua, khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận, Bệnh viện đa khoa Khu vực phía Nam… đã tiếp nhận và điều trị cho một số bệnh nhân bị nghi ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn không được chế biến kỹ, chế biến đúng cách; do ăn thực phẩm có sẵn độc tố tự nhiên.

Cách phòng tránh ngộ độc

Mới đây, Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống ngộ độc do botulinum. Đó là trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt. Người dân chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo chua, mặn; khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Khi có biểu hiện ngộ độc, thì người bệnh đến ngay cơ sở y tế. Theo đó, Bộ Y tế cũng nêu các biểu hiện liên quan đến ngộ độc gồm buồn nôn, chướng bụng, đau bụng; xuất hiện triệu chứng thần kinh như liệt đối xứng xuất phát từ vùng đầu mặt cổ lan xuống chân. Mức độ liệt từ nhẹ đến nặng.

Sở Y tế Bình Thuận cho biết: Để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh, công tác kiểm tra giám sát ATTP được thực hiện đồng bộ ở 3 cấp ngành theo phân cấp, phân công quản lý và theo đúng Nghị định 15 của Chính phủ. Trong đó, việc kiểm tra, giám sát nguyên liệu đầu vào để chế biến sản phẩm thực phẩm phải thực hiện đồng cấp theo 3 ngành gồm y tế, nông nghiệp, công thương ở 3 nhóm sản phẩm theo quy định. Mặt khác, người tiêu dùng cần chú ý chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; phải tuân thủ khâu vệ sinh từ bàn tay đến dụng cụ chế biến, nguyên liệu trước khi chế biến; nhất là trong điều kiện thời tiết hiện nay.

TRANG MINH