Người đảng viên tận tâm với việc thiện
Xã hội - Ngày đăng : 05:51, 12/06/2023
Rồi đâu đó có các cháu bị mồ côi cha, mẹ, cuộc sống đang bấp bênh, rất mong sự kết nối những tấm lòng hảo tâm để sẻ chia, cũng cần đến ông. Từ những lời thỉnh cầu đó mà trong tâm ông cứ đau đáu, nên bước chân vẫn chưa ngừng nghỉ.
Đi tìm “cái đúng”
Suốt nhiều năm nay, theo nguyện vọng từ những người còn bị thiệt thòi trong hưởng chế độ, chính sách và từ những cảnh đời gặp khó khăn, hoạn nạn cứ đến với cựu chiến binh Nguyễn Vĩnh Phúc (khu phố 3, Phú Thủy, TP. Phan Thiết). Vì vậy, dù nghỉ hưu đã nhiều năm, lẽ ra an nhàn với cuộc sống gia đình, khi các con đều thành đạt nhưng ông vẫn không ngơi nghỉ, cứ lặn lội ngược xuôi để đến với những người đang cần sự giúp đỡ.
Xem tập hồ sơ, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước chuỗi dài danh sách những người mà ông đã kiên trì đi tìm “cái đúng” cho họ trong thực hiện chế độ, chính sách. Họ là những người trải qua những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trong số đó có những cựu tù chính trị, hoặc những người đã để lại một phần thân thể của mình trên chiến trường, được công nhận là thương binh, bệnh binh, nhưng gặp không ít những vướng mắc, bất cập trong quá trình giải quyết chế độ. Không quản ngại khó khăn, ông đã dày công, trực tiếp đến cơ quan chức năng ở Bình Thuận; đối với những trường hợp xa thì gửi đơn phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan Trung ương, như: Bộ LĐ - TB&XH, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước... Và kết quả đã không phụ lòng người tận tâm; quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho những người tham gia kháng chiến, có công với cách mạng được giải quyết.
Đã 10 năm trôi qua, ông Phạm Minh Hoa (xã Bắc Ruộng, huyện Tánh Linh) vẫn không quên người giúp mình, khi đã có thời gian công tác từ năm 1972, đến năm 1992 xin nghỉ việc, nhưng sau 20 năm (1992 – 2012) không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đến năm 2013 nhờ có đơn phản ánh, kiến nghị của ông Nguyễn Vĩnh Phúc gửi đến Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận, từ đó chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết - ông Phạm Minh Hoa nhớ lại. Bà Trương Thị Phước (83 tuổi) ở thôn Văn Kê, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam) kể lại trong sự biết ơn: “Con trai tôi, Nguyễn Đăng Luận (SN 1965), từ 1983-1986 ở chiến trường Campuchia, khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về gia đình nhưng sống nửa điên, nửa tỉnh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ ông Nguyễn Vĩnh Phúc cùng Báo Bình Thuận phản ánh nên con tôi được chế độ trợ cấp, đỡ phần vất vả cho gia đình”.
Tìm “đường về” cho liệt sĩ
Chiến tranh lùi xa đã mấy chục năm mà vẫn còn không ít đồng đội của mình nằm lại đâu đó nơi chiến trường xưa, chưa tìm được hài cốt, hoặc đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ nhưng gia đình chưa biết tin. Do đó ông Phúc dồn tâm sức đi tìm kiếm, nhằm kết nối thông tin với thân nhân gia đình liệt sĩ. “Thấy nhu cầu của các gia đình về tìm kiếm liệt sĩ là quá nhiều. Bây giờ mình còn có điều kiện mà không làm những gì có thể để giúp họ thì cảm thấy như người có lỗi” - ông Nguyễn Vĩnh Phúc chia sẻ. Nhờ am hiểu về công nghệ thông tin và cơ duyên gặp người đồng hương Hà Tĩnh cùng tâm huyết, đó là cựu chiến binh và là thầy giáo Nguyễn Sĩ Hồ ở Tân Uyên (Bình Dương), người đã lập Website “Người đưa đò” phục vụ tìm kiếm mộ liệt sĩ.
Là hội viên “Hội hỗ trợ các gia đình liệt sĩ Việt Nam” tại Bình Thuận, ông Nguyễn Vĩnh Phúc đến các cơ quan chức năng xin danh sách liệt sĩ trên toàn quốc hy sinh và hiện đang nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận, rồi đăng tải lên Trang thông tin của hội, trên Website “Người đưa đò”, và gửi cho báo địa phương có liệt sĩ đăng tin. Sau đó cùng ông Nguyễn Sĩ Hồ đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Thuận chụp khoảng 8.000 bức ảnh mộ đem về rà soát, đối chiếu. Khi có thông tin chính xác mới báo gia đình biết để vào viếng thăm hoặc đưa hài cốt về quê nhà. Việc làm đó đã giúp họ đỡ tốn kém nhiều về chi phí, công sức tìm kiếm, hơn thế nữa, thể hiện sự tri ân những người ngã xuống. Đồng thời giúp các gia đình tìm được mộ của liệt sĩ, để cõi lòng của thân nhân vơi bớt nỗi đau trong suốt mấy chục năm trời.
Làm thiện nguyện bằng tấm lòng trong và cái tâm sáng, nhưng đâu phải ai cũng hiểu đúng điều đó. Do vậy bên cạnh nhận được biết bao lời cảm ơn của những người mà ông giúp đỡ, thì còn gặp phải những lời dị nghị, gièm pha. Tuy vậy không làm chùn bước, vì bên ông luôn có người vợ và nhiều người khác động viên. Năm 2023 này, khi tuổi đời vừa tròn 70 cũng là lúc được đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Niềm vinh dự ấy như động lực tiếp sức để tiếp tục hành trình, vì hiện nay trong ông vẫn còn tập hồ sơ của những người đang rất cần sự giúp đỡ.