Giả danh facebook của cơ sở du lịch thu tiền của du khách
Pháp luật - Ngày đăng : 05:18, 14/06/2023
Thủ đoạn lừa đảo
Ngoài website, điện thoại hotline, liên kết với các đại lý du lịch uy tín như MyTour, IVIVU, Chudu24… và các kênh bán phòng trực tuyến Agoda, Booking.com, traveloka… thì các cơ sở nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh còn tạo lập thêm các kênh riêng trên các trang mạng xã hội như facebook để quảng bá thương hiệu cũng như cho nhiều người biết, đăng ký lưu trú. Tuy nhiên, gần đây kẻ xấu có ý đồ thu lợi bất chính của người khác, đã tạo lập ra một trang tương tự, có nghĩa là “phiên bản” y hệt trang facebook của các cơ sở bao gồm cả nội dung lẫn hình ảnh.
Việc có thêm “phiên bản” giả danh mới này khiến cho du khách, những người có nhu cầu đặt phòng tại cơ sở đã định lưu trú, “mù” thông tin về cơ sở, không biết trang nào với trang nào là chính xác hoặc cứ ngỡ trang đó là của cơ sở. Nhiều người nhầm lẫn vô tình liên hệ đúng trang giả này nên đã bị lừa, bởi nhận được tư vấn ngọt ngào với chi phí cho chuyến nghỉ ngơi rẻ hơn so với giá thực của cơ sở. Khi đã đồng ý giá phòng bao gồm ăn uống, chúng yêu cầu thanh toán trước 50%, nhưng sau khi thanh toán, liên hệ lại thì bị chúng chặn facebook. Có du khách cứ chắc là đã đặt được phòng và lên kế hoạch đi du lịch, khi đến nơi nhận phòng thì bị cơ sở từ chối, vì không nhận được bất cứ thông tin nào từ khách, khi đó mới biết mình bị lừa.
Cơ sở nghỉ dưỡng Seahorse Resort & Spa (Seahorse) ở Khu du lịch Mũi Né là điển hình. Những ngày qua Seahorse liên tục nhận được thông tin từ khách bị lừa theo kiểu đó. “Chỉ tính từ giữa tháng 5 đến nay, chưa đầy một tháng đã có 6 người bị lừa, gần nhất là vào ngày 10/6, bà Lê Thị Minh Th đã bị lừa hơn 2 triệu đồng tiền cọc”, nhân viên Seahorse cho biết. Seahorse đã có đơn trình báo đến Công an tỉnh về vụ việc và yêu cầu làm rõ để khách không bị lừa, cũng như không ảnh hưởng uy tín của Seahorse.
Cảnh giác
Dịp du lịch cao điểm hiện nay, nhất là vào những ngày cuối tuần, quỹ phòng, căn hộ, biệt thự khách sạn, thường luôn trong tình trạng kín phòng, nên du khách không có nhiều lựa chọn. Chính vì vậy những đối tượng xấu lợi dụng tình hình này gia tăng để lừa khách đi du lịch.
Theo những người làm du lịch lâu năm tại Mũi Né, để tránh bị lừa đảo khi đặt phòng, dịch vụ du lịch, du khách nên đặt qua các trang đặt phòng có uy tín, chất lượng và phù hợp nhất hoặc đặt trực tiếp với cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn… Đồng thời cần có sự kiểm chứng và xác thực nhằm đảm bảo đó là cơ sở thật, để không phải bị lừa. “Theo mình thì trước khi đi du lịch bạn nên tìm hiểu trên những trang mạng của dân phượt, hay trang web du lịch uy tín. Bạn nên đặt câu hỏi ví dụ ở khách sạn nào? Ăn gì? Ở đâu... Thì sẽ có những người đã từng đi rồi hướng dẫn cho bạn” – một du khách có nhiều kinh nghiệm du lịch chia sẻ.