Câu chuyện về giá hải sản trong mùa du lịch cao điểm

Du lịch - Ngày đăng : 05:42, 14/06/2023

Tuần qua, câu chuyện về 1 du khách “bốc phốt” 1 nhà hàng ở xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết) khi cho rằng nhà hàng này hét giá hải sản trên trời, lại gây xôn xao cộng đồng mạng và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Khi 2 tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Phan Thiết – Vĩnh Hảo được thông tuyến ngay dịp hè 2023, không chỉ riêng ngày cuối tuần, mà hầu như ngày nào Bình Thuận cũng nhộn nhịp khách du lịch. Theo số liệu mới nhất từ ngành chức năng, trong tháng 5, Bình Thuận đón hơn 800.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, một con số mơ ước của ngành du lịch từ sau dịch Covid -19. Với lượng khách đó, không chỉ công suất phòng đạt 85 – 95%, mà hầu hết các nhà hàng, quán ăn đều hưởng lợi, lượng khách tăng gấp 2 – 3 lần ngày thường.

dsc_9889.jpg
Lượng khách đổ về Bình Thuận tăng cao dịp hè

Có thể thấy, khách đến Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung đều mong muốn thưởng thức hải sản tươi ngon nơi đây, sau đó mua hàng tươi sống đem về làm quà. Do đó, nhu cầu tiêu thụ hải sản vượt nguồn cung là điều khó tránh khỏi. Thêm vào đó, sản lượng hải sản từ biển ngày càng khan hiếm, thời tiết thất thường, tàu thuyền nằm bờ nhiều hơn ra khơi, vì thế khi có hải sản tươi, những nhà hàng buộc phải dự trữ, để thực đơn của quán luôn phong phú và giá cả nhích nhẹ cũng là điều hiển nhiên. Nhiều chủ nhà hàng cho biết, giá hải sản đang cao nhưng không có hàng để bán, ốc hương loại lớn, ghẹ loại 1 có giá tầm 600.000 – 700.000 đồng/kg, tôm bạc loại lớn cũng 500.000 – 600.000 đồng/kg, tôm hùm, mũ ni thì trên cả triệu đồng, mực thì nhiều loại nhưng đang ở mức cao 400.000 – 600.000 đồng/kg… Một chủ nhà hàng cho biết thêm, “đó là chưa tính phí chế biến món ăn, phí phục vụ… Vì vậy, khách “phốt” vậy cũng chưa khách quan lắm, vì không rõ loại hải sản khách chọn là loại nào, lớn bé ra sao. Bên cạnh đó, nhà hàng đã niêm yết giá hẳn hoi, thuận mua vừa bán, nên cho rằng họ “chặt chém” du khách thì nên xem lại. Làm ăn bây giờ khó khăn, không ai dại gì tự đá đổ “chén cơm” của mình”.

du-khach-vui-choi-tam-bien-o-bai-bien-da-ong-dia-phan-thiet-anh-n.-lan-2-.jpg
Khách về Bình Thuận tắm biển, ăn hải sản (ảnh: N. Lân)

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, là thành phố biển nhưng giá hải sản vậy là quá cao. Du lịch Bình Thuận đang hút khách, nếu các nhà hàng “té nước theo mưa” nhích giá vô tội vạ, thì khách du lịch sẽ chọn nơi khác dừng chân. Nhiều người đặt câu hỏi “du lịch biển đảo nhưng ăn hải sản thấy giá còn đắt hơn cả Sài Gòn, đó chẳng phải một điều rất vô lý?”. Họ cho rằng, một số người làm du lịch dường như vẫn giữ tư tưởng “ăn xổi” theo kiểu bán cho khách vãng lai, “móc túi”, “chặt chém” cho thật đã. Lối làm ăn ấy chỉ khiến mình càng tụt hậu.

Ở góc độ của người viết, chúng tôi không có ý bênh vực cho nhà hàng này, cũng không phải cho rằng vị khách phản ánh sai. Nhưng giá hải sản giữa nhà hàng và chợ là hoàn toàn cách biệt nhau. Chủ một vựa hải sản ở Phan Thiết phân tích: “Thông thường hải sản loại 1 ít được bán ở chợ, vì đây là hàng cao cấp, đã được các chủ nhà hàng dặn mối. Vào mùa hè, đơn đặt hàng hải sản rất nhiều nhưng không đủ để cung cấp. Chúng tôi gom hàng từ nhiều nơi cả trong và ngoài tỉnh, nên hàng hải sản vào nhà hàng đều là hàng tươi sống, loại to, thịt chắc, không thể so sánh giá ở các chợ. Có thể một số nhà hàng làm ăn gian dối, để giá loại 1 nhưng cho khách ăn loại 2, 3, hoặc trà trộn hàng nuôi với hàng tự nhiên. Riêng hải sản Phan Thiết, nếu du khách ăn đúng chỗ, đúng loại, thì vài triệu đồng cho bữa ăn hải sản thì không có gì là quá đắt”.

Có thể thấy, câu chuyện “bốc phốt” chỉ là thiểu số, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh du lịch địa phương, bởi du khách rất sợ nạn cân điêu, “chặt chém” ở các điểm du lịch. Các nước phát triển du lịch hiện nay đều không lấy tiêu chí số lượng khách trong năm để đánh giá. Cái mà họ quan tâm là số lượng khách chọn quay lại sau lần đầu tiên. Du lịch Bình Thuận đang trên đà hồi phục mạnh mẽ sau dịch và hưởng lợi rất nhiều từ khi 2 tuyến cao tốc thông suốt. Khách nào cũng là khách, đều đáng quý như nhau, nếu vẫn kiểu làm ăn chụp giật, “ăn xổi ở thì” thì không chỉ khách nước ngoài không dám đến Bình Thuận mà khách nội địa cũng “chạy dài”. Nếu chúng ta không thay đổi tư duy làm ăn, thì đừng hỏi vì sao du lịch tỉnh nhà mãi trồi sụt.

Song Nguyên