Cần có “cơ chế” khuyến khích và bảo vệ cán bộ

Chính trị - Ngày đăng : 10:56, 27/05/2023

Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung không chỉ góp phần khơi nguồn sáng tạo cho người cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống mà còn được coi như tấm khiên/lá chắn để bảo vệ cán bộ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng, ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công vụ trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung như Văn kiện Đại hội XIII và Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị là vấn đề then chốt trong nhiệm vụ then chốt. Đây là những điều kiện cần, rất quan trọng nhưng chưa thể đủ mà cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ, sát thực hơn nữa để khuyến khích và bảo vệ cán bộ.

can-bo.jpg
Cán bộ cấp phường giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Đ.Hòa

Trong diễn đàn của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, trong buổi thảo luận hội trường và tại phiên thảo luận tổ ngày 25/5 về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh về tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm. Tình trạng cán bộ né trách nhiệm, đùn đẩy xảy ra phổ biến, tràn lan không chỉ ở khu vực công mà cả khối tư, trong doanh nghiệp. Có đại biểu cho rằng: “Ai không làm được đứng sang một bên nhưng giải quyết đứng bên nào, đứng chỗ nào là cả vấn đề”. Xác định “căn bệnh” này có từ khi nào, lây lan đã lâu chưa, giờ thì nặng hay nhẹ và kê toa, “điều trị” không phải là chuyện một sớm một chiều.

Câu chuyện từ thực tiễn, có nhiều việc cấp dưới hỏi cấp trên, cấp trên bảo “làm theo quy định”, cứ thế quả bóng đá qua lại, ở giữa thì đình đốn kinh tế, việc không thông, cơ hội kéo dài, mất đi không giải quyết được... Do vậy, cần có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức cả hệ thống chính trị, trong đó có những cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có “biểu hiện” sợ trách nhiệm, né tránh, chậm giải quyết, gây ách tắc kéo dài khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Khuyến khích cán bộ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vì sự phát triển của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần đổi mới, có tư duy sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá nhằm tháo gỡ, giải quyết những bất cập trong cơ chế, chính sách. Tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, địa phương vì sự phát triển chung của đất nước, nhưng không vì thế mà lợi dụng để làm sai nguyên tắc. Nếu có sai phạm thì cần xem xét cụ thể, do làm ẩu hay do năng lực, hoặc điều kiện khách quan. Có nhìn vấn đề thấu lý, đạt tình mới đánh giá đúng cán bộ.

Trong hệ thống văn kiện của Đảng cũng chưa có quy định nào để bảo vệ cán bộ dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong khi đó, thực tiễn cuộc sống luôn đòi hỏi phải đổi mới và sáng tạo, song trong thực thi công vụ, những việc mới và khó, lại chưa có tiền lệ. Cho nên, khi cán bộ “khai phá”, “mở đường” và triển khai thực hiện có lúc hái được “quả ngọt” và cũng có khi rủi ro/kết quả không đạt được như mong muốn. Hơn nữa, thời gian qua, khi Đảng tăng cường công tác kiểm tra và giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm, thì không phải là không có xu hướng co lại, không dám nghĩ, không dám đột phá, sáng tạo ở một vài địa phương, cơ quan, đơn vị. Do vậy, cần có “cơ chế” thực sự đột phá, một cứu cánh để bảo vệ cán bộ.

Khuyến khích và bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung “không bị kết vào sai phạm, vi phạm pháp luật” cần thực hiện công khai, minh bạch từ khi có ý tưởng đến hành động, triển khai để mọi người biết và người dân giám sát. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản “quy phạm pháp luật” liên quan đang vướng rất nhiều quy định của pháp luật. Hệ thống thể chế, chính sách của chúng ta có mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, do vậy quá trình thực thi công vụ cũng sẽ có những khó khăn, rào cản, vướng mắc... Do đó, rất cần nghị quyết của Quốc hội về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó, Chính phủ mới ban hành nghị định, như vậy mới đủ tất cả cơ sở “hành lang pháp lý”, mới bảo vệ được cán bộ, nếu không làm như vậy sẽ “rất khó”. Nếu không có nghị quyết của Quốc hội, chúng ta không thể “xé rào”, “vượt rào” thực hiện việc này được.

Cùng với đó, việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện “thí điểm” các đề xuất đổi mới, sáng tạo; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế; phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót là rất quan trọng, góp phần để những đề xuất sáng tạo, đột phá của cán bộ vừa được thực thi vừa được bảo vệ bằng cơ chế.

Đặc biệt, khuyến khích và bảo vệ cán bộ chỉ thực sự là “liều thuốc hiệu nghiệm”, đi vào cuộc sống khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng luôn có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ triển khai hoặc thực hiện thí điểm được những đề xuất đổi mới, sáng tạo của họ. Đây chính là “chìa khóa” để cán bộ đạt được thành công. Đồng thời, cũng đã đến lúc việc “chắp cánh”, “tạo thuận lợi” cho những ý tưởng sáng tạo, đột phá cần phải trở thành một tiêu chuẩn trong công tác xếp loại thi đua, khen thưởng, được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp... trong “thang bậc” của cán bộ, đảng viên và cấp ủy hàng năm.

Từ chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm đến thực tiễn còn là một “khoảng cách” khá xa cần được thông suốt từ dưới lên trên và có sự đổi mới đồng bộ. Để cán bộ dám nghĩ, dám làm: Cần một thể chế thông suốt, đồng bộ.

DỤNG VĂN DUY