Cát lồi - lộc trời bị lãng quên?
Kinh tế - Ngày đăng : 08:40, 16/06/2023
Cùng nhóm bạn trải nghiệm dọc biển khu vực nam miền Trung, trên đường về, qua khỏi eo Cà Ná, anh Kỳ giảm chân ga, dò hỏi người dân sống ven đường “nơi nào bán cát lồi”. Cuối cùng, anh tìm được đến chợ Vĩnh Hảo theo chỉ dẫn để mua. “Tôi mua gửi cho người thân ở nước ngoài. Người này có mở nhà hàng. Cát lồi dùng để chế biến một số món cho mùi, vị lạ. Khách hàng rất ưa thích”, anh Minh Kỳ kể và tỏ ra thích thú: “Ngộ thiệt! Từ cát mà cũng làm gia vị chế biến món ăn được. Tôi cũng được người thân hướng dẫn cách làm. Nghe rất hấp dẫn nên cũng có mua thêm riêng mang về chế biến thử”.
Đã vài chục năm gắn bó với việc buôn bán ở chợ Vĩnh Hảo, gian hàng của hai mẹ con chị Hoài Tâm luôn có cát lồi để bán khi có người cần mua. Theo chị Tâm, cát lồi mang về đổ nước vào đúng liều lượng, chờ lắng trong lấy nước ấy bỏ vào nồi cháo đang nấu, cháo sẽ mau nhừ, tiết kiệm được thời gian và năng lượng đốt. Đặc biệt, cháo có màu xanh như cháo lá dứa, ăn vào thì mềm, bùi và thơm. Dịp tết cổ truyền hay cúng lớn, nhiều người thường dùng cát lồi để làm bánh tét, các loại bánh ngọt hay nấu chè. Cũng như cháo, các loại bánh, chè khi được nấu có pha nước cát lồi sẽ mau chín, mềm, dẻo và thơm hơn. “Mùa cá nam này, khi những con cá ngừ đầu tiên được đánh bắt, người dân thường mua về kho bằng nước cát lồi. Cháo – cá ngừ kho – cát lồi vừa nhừ vừa bùi vừa ngọt vừa béo, sáng sớm hay chiều tối, ăn một tô thôi là nhất trần đời”, chị Tâm vui vẻ diễn tả.
Trong phần giới thiệu về tài nguyên, Tập sách Lịch sử Tuy Phong có đề cập, cát lồi tập trung ở khu vực suối khoáng Vĩnh Hảo. Nước trong nguồn suối này có chứa Natri Bicarbonat (NaHCO3). Còn theo tài liệu y khoa, Natri Bicarbonat có tác dụng trung hòa axit, chữa đau dạ dày hay giải độc cho axit, làm giảm lượng dầu trên da mặt tránh những bệnh nhiễm trùng về da. Nếu dùng với liều lượng phù hợp, Natri Bicarbonat là chất phụ gia có tác dụng tốt đối với chế biến thức ăn, làm bánh và làm mềm thịt.
“Trước đây, huyện Tuy Phong có diện tích và trữ lượng cát lồi lớn, được khai thác và xuất bán thô cho các công ty ngoài tỉnh. Còn hiện nay, diện tích đất đã bị thu hẹp do đã giao cho các dự án điện mặt trời và giao cho dân sản xuất nên trữ lượng không còn nhiều. Việc xuất thô cũng không còn nên cát lồi không thể trở thành sản phẩm hàng hóa”, ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong cho hay.
Bản thân cát lồi không thể trở thành hàng hóa nhưng sự “hóa thân” của nó qua con đường chế biến thực phẩm nếu biết khai thác phù hợp sẽ là một sản phẩm du lịch mới, lạ, ý nghĩa cho khu vực bắc Bình Thuận, nơi giáp ranh eo biển Cà Ná là điểm dừng chân vốn đã có tiếng tăm. Hơn nữa, ngoài giá trị về y học và ẩm thực, cát lồi còn được hưởng lợi từ thương hiệu nước suối thiên nhiên Vĩnh Hảo, tảo Vĩnh Hảo khi có cùng “chỉ dẫn địa lý”. Điều đặc biệt hơn nữa, vùng suối khoáng – cát lồi Vĩnh Hảo mang trong mình một giai thoại lịch sử, đó là vùng mà công chúa Ngọc Hân đã phát hiện ra và đặt tên. Một sản phẩm du lịch không dễ gì có được những yếu tố “trời cho” như vậy để viết lên câu chuyện ẩm thực hay - thú vị - lôi cuốn.
“Trước đây, thường thì chỉ có người trong vùng mua về dùng. Thời gian gần đây, có thêm du khách ghé hỏi mua. Họ cũng nói dùng để chế biến món ăn”, chị Hoài Tâm nhìn nhận.
Anh Dương Minh Kỳ và người thân ở tận nước ngoài đều không phải là người gốc Vĩnh Hảo, gốc Bình Thuận. Nhưng bằng cách nào đó, có thể do giao lưu, họ biết được giá trị của cát lồi. Dù là đơn lẻ nhưng vẫn có thể xem như là cơ sở để tin nếu “bắt tay thực hiện”, các sản phẩm ẩm thực từ cát lồi Vĩnh Hảo sẽ là một loại sản phẩm du lịch có sắc thái, sức hấp dẫn riêng. Lẽ nào “lộc trời” như vậy lại bị lãng quên?