Phan Thiết: Ứng phó trước mùa mưa bão
Đời sống - Ngày đăng : 09:09, 16/06/2023
Thời tiết, thủy văn khó lường
5 tháng đầu năm 2023, một số khu vực ven bờ biển Phan Thiết bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của thời tiết xấu, gió thổi mạnh kết hợp với triều cường dâng cao. Đó là khu vực ven biển thuộc thôn Tiến Bình (xã Tiến Thành), khu vực Biển Cát Hòn Rơm, khu vực dự án Đầu tư Sài Gòn (phường Mũi Né), kè chống biển xâm thực hư, sạt lở ăn sâu vào bên trong bờ biển làm hư hỏng đường dân sinh. Về tai nạn, sự cố trên biển, có 3 vụ thuyền viên bị mất tích trên biển (đã tìm được 1 thi thể). Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước khoảng 1,5 tỷ đồng.
Năm 2022, tình hình khí tượng thủy văn ở Phan Thiết diễn biến ít phức tạp. Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Phan Thiết là không có. Tuy nhiên, các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm tại Phan Thiết như: dông sét, mưa lớn cục bộ, gió mạnh trên biển cũng đã gây ảnh hưởng nhất định đến đời sống dân sinh cũng như phát triển kinh tế ở địa phương. Hậu quả thiên tai làm 6 người chết; 30 nhà bị ngập, sập công trình phụ, hư hỏng; 200m mái kè bị sụp lún, gãy đổ; 350m bờ kè bị sạt lở; 200m đường bộ hành kè Đồi Dương bị sụp lún…
Dự báo, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2023 của Bình Thuận sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Khả năng hiện tượng ENSO chuyển từ trạng thái trung tính sang El Nino từ tháng 6 - 8/2023 với xác suất khoảng từ 60 - 70%. Hiện tượng El Nino tiếp tục xảy ra với xác suất từ 70 - 80% và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024. Năm 2023, dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông có khả năng tương đương với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ (khoảng 11-13 cơn). Bão hoạt động nhiều hơn trên biển Đông từ tháng 8-10/2023 và giảm dần từ tháng 11. Tháng 4, 5, 6/2023 là thời kỳ bắt đầu vào mùa mưa chính ở khu vực Bình Thuận, tổng lượng mưa dự báo từ xấp xỉ đến cao hơn TBNN trong các tháng 6 - 9/2023. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến hết năm 2023, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ. Mùa lũ trên các sông chính có khả năng đến sớm hơn TBNN. Đỉnh lũ trên các sông chính ở mức báo động 1 đến báo động 2, có sông trên báo động 2.
Các ứng phó
Trước diễn biến khó lường về thời tiết, thủy văn, UBND TP. Phan Thiết yêu cầu UBND các phường, xã tiếp tục kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm xung yếu, các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở bờ biển để chủ động xử lý, đối phó kịp thời. Các phường, xã ven biển chủ động phương án sắp xếp, bố trí neo đậu tàu thuyền và lồng bè phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo an toàn, phòng tránh sự cố; sơ tán di dời dân sang các nơi an toàn cho phù hợp, tránh bị động bất ngờ trong mọi tình huống xảy ra; kiểm tra đăng ký, đăng kiểm các tàu thuyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định. Kiên quyết không để tàu thuyền hoạt động khi có lệnh cấm. Tuyên truyền hướng dẫn một số kỹ năng ứng phó các thiên tai.
Đồng thời, đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quan tâm tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư thi công kè chống biển xâm thực biển tại Thanh Hải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kè chống biển xâm thực đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực này. Các công trình kè hiện hữu, UBND TP. Phan Thiết đề nghị các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục phối hợp khảo sát, đánh giá hiện trạng và có phương án sửa chữa nếu có hư hỏng, trước mùa mưa bão năm 2023. Các cơ sở du lịch đóng chân tại Phan Thiết đã được tỉnh chấp thuận đầu tư trong quá trình thi công còn để xảy ra tình trạng cát tràn, gây ách tắc giao thông khi có mưa. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nghiêm nếu tiếp tục vi phạm trong mùa mưa bão sắp đến. Cùng với đó, kiến nghị UBND tỉnh xây dựng đồng bộ kè kiên cố trên toàn vùng biển Phan Thiết để ngăn chặn việc xâm thực biển khi gió đông bắc thổi mạnh kết hợp triều cường dâng cao…