Để vốn vay giải quyết việc làm tạo sức bật cho người dân
Kinh tế - Ngày đăng : 05:07, 20/06/2023
Tạo đòn bẩy
Cho vay GQVL là chương trình nhằm tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn. Chương trình có tác động tích cực đến việc thu hút lao động, chuyển dần lao động thuần túy trong nông nghiệp mức thu nhập thấp sang các ngành nghề có thu nhập cao, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Những năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tích cực phối hợp với các hội đoàn thể và sở, ngành liên quan phát huy hiệu quả chương trình tín dụng này. Tính đến cuối tháng 5/2023 với 15.000 khách hàng được giải quyết vay vốn với số tiền 701,3 tỷ đồng. Thông qua Hội Phụ nữ thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam), chị Võ Thị Thanh Nga ở khu phố Nam Thành – thị trấn Thuận Nam được hỗ trợ vay 50 triệu đồng đầu tư trồng rau sạch, đây là mô hình khởi nghiệp của Hội Phụ nữ thị trấn. Chị Nga đầu tư mở rộng diện tích trồng rau thêm nhiều loại rau, chú trọng cách canh tác theo phương thức an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, rau bỏ mối cho các thương lái các chợ tại huyện đầu ra ổn định, tăng thu nhập gia đình. Còn với chị Phạm Thị Hồng Nhi, ở thôn Thuận Cường – xã Thuận Quý tiếp cận chương trình vốn vay GQVL giải quyết cho vay 50 triệu đồng đã giúp chị có điều kiện phát triển mở rộng kinh doanh cửa hàng điện gia dụng, việc kinh doanh thuận lợi đem lại lợi nhuận kinh tế cao.
Cho vay trồng rau ở Hàm Thuận Nam
Bà Trần Thị Ngọc Minh – Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hàm Thuận Nam cho hay: Hàng năm, Phòng Giao dịch đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn đến các đối tượng lao động có đủ nhu cầu vay, nhất là các dự án của thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Trong 5 tháng của năm 2023, đơn vị đã giải ngân cho 303 lao động vay, với số tiền 18,6 tỷ đồng nâng tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL đến cuối tháng 5 là 73,9 tỷ đồng, với 1.621 lao động còn dư nợ. Nguồn vốn chương trình cho vay GQVL đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về tạo việc làm trên địa bàn huyện, là điểm tựa giúp người lao động khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống trong điều kiện phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Để phát huy hiệu quả chính sách
Thời gian qua, NHCSXH tỉnh thường xuyên đôn đốc các phòng giao dịch ở địa phương phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn nâng cao chất lượng bình xét, thẩm định dự án cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng; tuyên truyền người vay sử dụng vốn đúng mục đích và nợ đúng kỳ hạn nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn chương trình cho vay GQVL. Để tạo được sức bật cho người dân, phát huy hiệu quả chương trình cho vay GQVL, cơ cấu giải ngân vốn chương trình thiết nghĩ NHCSXH các ngành liên quan cần tập trung mở rộng thêm vào các hộ, mô hình sản xuất, kinh doanh đảm bảo có thể tạo được nhiều việc làm mới cho lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, quan tâm tạo điều kiện, hướng dẫn các hộ vay vốn về kỹ thuật, các chương trình khuyến công, khuyến nông cũng là giải pháp làm sao nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Theo các Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện, hiện nay nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm vẫn rất lớn nhưng nguồn vốn chưa thể đáp ứng nhu cầu của người lao động. Bà Võ Thị Minh Thảo – Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh cho biết, qua khảo sát tổng hợp nhu cầu vốn chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm năm 2023 là 440 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2023 chi nhánh không được phân bổ nguồn vốn chương trình này theo Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù hiện nay nhu cầu vay vốn chương trình trên toàn tỉnh rất lớn. Tính đến cuối tháng 5/2023, chương trình cho vay hỗ trợ việc làm theo Nghị quyết 11 giải quyết cho vay 170 tỷ đồng với 4.059 khách hàng vay vốn.