Đức Linh: Vì sao khoai môn cao chỉ tím xuống giá?
Kinh tế - Ngày đăng : 05:10, 20/06/2023
Giá giảm 67%
Ông Phạm Văn Hùng (xã Đông Hà) cho biết: Với hơn 10 năm trồng khoai môn, chưa có năm nào rớt giá như năm nay. Giá bán khoai những năm qua ở mức thấp nhất là 18.000 đồng/kg và cao nhất là 31.000 đồng/kg. Còn hơn 3 tháng nữa, hơn 1 ha khoai môn mới đến thời điểm thu hoạch. Thông qua việc theo dõi giá bán hiện nay chỉ còn 9.000 đồng/kg, những người trồng như tôi đang phập phồng lo lắng nhiều.
Anh Trần Tuấn cùng xã với ông Hùng trồng 4 sào khoai môn cao chỉ tím vào đầu tháng 12 âm lịch (trước tết 2023) đến thời điểm này chuẩn bị thu hoạch. Tuy nhiên, anh Tuấn điện thoại cho thương lái đến thu mua, nhưng thương lái vẫn chưa chốt giá. Một vài người trồng đang bán giá 10.000 đồng/kg, giá này người nông dân không có lãi. 10 năm qua, giá khoai môn cao chỉ tím có xuống thấp, nhưng cũng ở mức 18.000 đồng/kg, người trồng lãi được 10 triệu đồng/sào. Đó là chia sẻ của anh Tuấn.
Toàn xã Đông Hà có hơn 50 ha cây khoai môn cao chỉ tím. Nếu năm 2022, thương lái thu mua khoai môn cao chỉ tím với giá dao động 30.000 - 31.000 đồng/kg, thì thời điểm hiện nay chỉ còn 9.000 - 10.000 đồng/kg. Một thương lái cho biết: Giá khoai môn bán tại chợ cho người tiêu dùng cũng chỉ 12.000 đồng/kg. Hiện nay, khu vực miền Tây đang vào thời điểm thu hoạch khoai môn rộ vụ. Điều này dẫn đến nguồn cung cho thị trường tăng cao, trong khi giá giảm tạo sự chênh lệch cán cân cung cầu. Bên cạnh đó, khoai môn chủ yếu xuất theo đường tiểu ngạch, nhưng hiện nay không xuất khẩu được, mà chỉ bỏ mối tại các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh.
Hướng tới chế biến sản phẩm
Theo ông Hùng, cây khoai môn chỉ tím phù hợp trên vùng đất lúa, đất sỏi, gò… cây ít sâu bệnh, chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng/sào. Trung bình mỗi sào đạt 1,5 - 2 tấn khoai, thời gian từ lúc trồng tới lúc thu hoạch là 5 - 6 tháng, trồng được 2 vụ trong năm. Cây khoai môn cao chỉ tím gắn với người dân Đông Hà đến nay hơn 10 năm. Suốt thời gian dài, giá nông sản này tương đối ổn định, trừ năm 2023 này. Để diện tích trồng khoai môn đạt năng suất, hiệu quả kinh tế, người trồng cần chú ý làm sạch cỏ, giữ đủ nước trên bề mặt ruộng để cây sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh gây hại. Thời điểm này, cây khoai dễ mắc bệnh nấm, cháy khô lá. Vì vậy, người trồng phải chú ý xịt thuốc phòng ngừa cũng như trị bệnh cho cây nếu bị bệnh. Được biết, xã Đông Hà và xã lân cận chưa có cơ sở chế biến khoai môn cũng như tổ liên kết đứng ra ký kết với doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch nhằm bao tiêu sản phẩm cho người trồng khoai. Sản phẩm của cây khoai môn chỉ tím, ngoài sử dụng tươi, còn được sử dụng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Suối - Phó Giám đốc Hợp tác xã Sen Núi (Đức Linh) cho biết: Trước tình hình giá môn cao chỉ tím xuống thấp, Hợp tác xã sẽ đầu tư nhà xưởng làm sản phẩm khoai sấy, tìm doanh nghiệp ký kết thu mua sản phẩm trong thời gian tới. Từ đó sẽ lập tổ liên kết bao tiêu sản phẩm và giải quyết đầu ra cho người trồng khoai môn ở Đông Hà. Bởi khoai tươi sẽ bị hư không để lâu được, nhất là lúc thu hoạch rộ giữa vụ.