Thấy gì trong phiên tòa xét xử trẻ vị thành niên
Pháp luật - Ngày đăng : 05:14, 22/06/2023
Điển hình một số phiên tòa xét xử
Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết hồi tháng 3 năm nay đưa ra xét xử 2 nhóm thanh niên choai choai, mỗi bên 20 người hỗn chiến đêm 22/8/2022 ở khu phố 2, phường Xuân An, TP. Phan Thiết về tội “Cố ý gây thương tích”. Tòa tuyên án 15 bị cáo cầm đầu và trực tiếp đánh chém với hình phạt từ 1 năm 3 tháng tù đến 2 năm 2 tháng tù và hưởng 1 năm tù án treo; bồi thường cho bị hại hơn 233 triệu đồng.
Tương tự, gần đây Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử 16 bị cáo trong vụ hỗn chiến, mỗi bên gần 30 người vào nửa đêm 30/5/2022 ở trước cổng Khu công nghiệp Hàm Kiệm I thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Hội đồng xét xử tuyên 16 bị cáo trực tiếp gây tổn thương cơ thể 54% cho bị hại về tội “Giết người”, với mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 7 năm tù, bồi thường cho bị hại hơn 181 triệu đồng.
Đó là những vụ điển hình, còn nhiều vụ khác, tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh, huyện đã và đang xét xử, trong đó vụ mới nhất là 37 đối tượng hỗn chiến chết người vào đêm 12/7/2022 ở huyện Tuy Phong. Tất cả các vụ án đều có chung khởi nguồn, xuất phát từ mâu thuẫn giữa 2 người, rồi lên mạng xã hội facebook thách đố nhau, hẹn thời gian, địa điểm đánh nhau. Để đánh thắng đối phương, thì bên nào cũng lôi kéo bạn bè theo kiểu càng nhiều càng tốt, chuẩn bị hung khí đi đánh nhau.
Thấy không biết sợ
Giữa hội trường xử án, các bị cáo với khuôn mặt non choẹt thu hút ánh nhìn của người tham gia phiên tòa gồm những người là đại diện viện kiểm sát, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, đông đảo người thân, bạn bè của các bị cáo, bị hại... Đặc biệt là các chiến sĩ công an đảm bảo an ninh phiên tòa và phóng viên báo chí. Họ là những người quan sát kỹ, cập nhật thông tin để phòng ngừa bất ổn an ninh và có những bài viết trung thực, khách quan về phiên tòa, truyền tải đến bạn đọc.
Chính vì vậy, mọi hành động, cử chỉ của bị cáo từ ánh mắt, vẻ mặt, điệu bộ nói năng… đều không qua tầm mắt của họ. Trong quá trình xét xử với các thủ tục xét hỏi, tranh luận làm rõ tình tiết của vụ án; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, bị cáo. Thấy nhiều bị cáo thay vì hồi hộp ngồi lắng nghe thì bình thản cười, nói với bạn ngồi bên cạnh hoặc khi nhìn người thân, bạn bè phía dưới, tỏ vẻ không biết sợ. Có bị cáo sắc mặt lạnh, liếc thẩm phán bằng ánh mắt sắc lẹm, tỏ thái độ không bằng lòng khi thẩm phán gọi lộn tên mình lên vành móng ngựa, vì trong vụ xét xử có nhiều tên bị cáo giống nhau. Việc luật sư cũng như trợ giúp viên pháp lý ra sức bào chữa để giành lại quyền công dân cho mình chẳng quan tâm...
Những hành động, cử chỉ ấy ai thấy cũng trăn trở và đặt câu hỏi, liệu bị cáo có thực sự ăn năn hối cải hay lại “ngựa quen đường cũ” ra tù vào tội như đi chợ? Trẻ em là phải biết vâng lời cha mẹ, người lớn… nhưng ở trước tòa mà còn như vậy thì liệu cha mẹ có giáo dục nổi. Song cũng đáng khen nhiều bị cáo, suốt quá trình diễn ra xét xử đều cúi đầu tỏ ra hối lỗi, khiến người tham gia phiên tòa yên tâm.
Theo cáo trạng, nhiều bị cáo trình độ thấp, xuất thân trong gia đình nuông chiều con cái từ nhỏ; cha mẹ bỏ nhau hoặc lo làm ăn không quan tâm đến con cái… Trong khi trẻ em cần dạy dỗ nghiêm khắc trong gia đình hoặc quan tâm đặc biệt từ gia đình và xã hội. Để thể hiện tính thượng tôn pháp luật, các cơ quan tố tụng khi phối hợp giải quyết vụ án liên quan trẻ vị thành niên, cần theo dõi cả hành vi của bị cáo trong suốt quá trình tạm giam giữ cho đến khi đưa ra xét xử. Cần có biện pháp răn đe đủ mạnh theo quy định pháp luật để hạn chế tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội hiện tại và trong tương lai. Đó là cách tốt nhất cứu vãn cuộc đời bị cáo, nếu không tuổi trẻ của chúng trượt dài trong tù tội, gây bất ổn an ninh xã hội. Ngoài ra, ngành chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục, mở nhiều phiên tòa xét xử công khai, lưu động mang tính nghiêm minh hơn nữa trong cộng đồng để răn đe thanh thiếu niên.