Nghĩa địa cổ nhiều giai thoại bí ẩn

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:27, 23/06/2023

Ở Bình Thuận, có cả một nghĩa địa với hàng chục ngôi mộ cổ cùng nhiều giai thoại bí ẩn, hiếm người biết.

Những ngày đất nước vừa thống nhất (sau tháng 4/1975), đâu đó vẫn thường nghe, các thế lực chống phá còn cài người lại, tiếp tục hoạt động chờ cơ hội… Quãng thời gian đó, người dân huyện Bắc Bình (gồm Bắc Bình và Tuy Phong bây giờ) truyền tai nhau câu chuyện lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ một đối tượng hoạt động gián điệp ẩn nấp trong lòng ngôi mộ cổ tại nghĩa địa ở xã Hòa Phú (cũ). Bên trong ngôi mộ được “thiết kế” như một hầm trú ẩn bí mật, không gian đủ để sinh hoạt và tác nghiệp…

dsc02070.jpg
Hàng chục ngôi mộ cổ ở Hòa Phú còn nhiều bí ẩn chưa giải mã.

Ngẫu nhiên duyên lành, trong một chuyến hành trình xuôi theo đường ĐT716 từ hướng Phan Thiết ra đến chân cầu Hòa Phú, người viết dừng chân bên quán ven đường, sực nhớ giai thoại xưa bèn hỏi thăm rồi được biết, phía đối diện là ngôi chùa mang tên Diên Thọ; bên trái có đường dẫn vào sâu bên trong khoảng một cây số, nơi đó có quần thể vài chục ngôi mộ cổ đá vôi trên diện tích áng chừng 10 mẫu…

dsc02067.jpg
Một ngôi mộ cổ có dáng lân quỳ.

Tìm đến nơi, quan sát thì nhận thấy đúng như người dân chỉ. Mộ cổ ở đây có hình dáng phong phú, kích thước bề thế. Bề ngang từ 2 – 4 m; cao từ 1 - 2 m. Có mộ xây dạng khối chữ nhật; có mộ phần dưới đế vuông, phần trên đắp dạng khối ê líp, dáng “quy chầu” hay “lân quỳ”, “hổ phục” với họa tiết đặc trưng; có mộ hình tháp với 2 chân đế “giật” cấp được bao bọc bởi bức tường dày gần cả mét…

Quan sát thấy, mộ cổ được xây từ hỗn hợp có đá vôi mà người cao tuổi ở vùng này cho hay, đó là hỗn hợp vôi – cát – mủ cây xương rồng - mật mía. Vào thời, chỉ vận tải bằng sức ngựa, nơi đây nổi tiếng với địa danh Quán Mía (thôn Bình Liêm, xã Phan Rí Thành) vì trồng bạt ngàn mía mang đi bán khắp nơi. Chuyên gia khảo cổ Đỗ Đình Truật từng đánh giá, hỗn hợp vừa nêu là công nghệ xây dựng chắc chắn nhất thời bấy giờ. Với hình dáng và chất liệu như vậy, cũng theo kiến thức của chuyên gia Đỗ Đình Truật, khu mộ này được xây dựng trong khoảng thế kỷ 17 – 18 cho người “an nghỉ” là những bậc quyền thế.  

dsc02065.jpg
Ngôi mộ cổ bên trong được thiết kế như một căn hầm ẩn chứa nhiều giai thoại.

Đặc biệt ở đây có ngôi mộ to, cao nhất, phía sau lưng mộ bị khoét rỗng khá vuông vức, vừa đủ để một người chui vào. Không gian bên trong như một căn phòng nhỏ. Kỳ bí hơn, vách bên trong mộ phẳng và khá láng, nhìn như được xây bằng những viên đá đen cắt xén sắc nét như tường của các ngôi nhà hiện đại cao cấp ngày nay. Cũng theo nhà khảo cổ Đỗ Đình Truất, vào thời kỳ này, có mộ không chôn người mất mà xây trống bên trong như vậy cốt đánh lừa người có ý trả thù hoặc phá hoại, còn người mất thì được hỏa táng hay táng theo một cách khác bí mật hơn. Kết nối chuyện cũ, phải chăng, ngôi mộ rỗng bên trong này chính là nơi mà đối tượng gián điệp ẩn núp chống phá trong giai thoại của những ngày sau bảy lăm?

Hiện khu nghĩa địa cổ có cơ sở sản xuất, có nhiều nhà ở của người dân. Họ sống, hoạt động xen kẽ với mộ. Có mộ còn giữ nguyên, có mộ bị vỡ, gãy có thể do tác động của con người?

Về nguồn gốc của nghĩa địa, lãnh đạo địa phương không rõ, ngành khảo cổ vẫn chưa hay(?).

dsc02066.jpg
Nhìn qua ô khoét, bên trong, vách mộ được xây dựng như vách căn nhà đắt tiền, hiện đại.

Thông thường đâu đó còn lại một vài ngôi mộ cổ, thế nhưng tại Hòa Phú còn cả khu nghĩa địa rộng lớn. Cũng theo chuyên gia, chỉ người có công trạng, có vị trí cao trong vùng mới được xây mộ với hình dáng công phu như đã nêu. Nếu giới chuyên môn khảo sát, nghiên cứu có thể phát hiện, gợi mở nhiều điều lý thú, biết đâu lại thêm những dữ liệu quý về lịch sử hình thành Parik – Phan Rí (Hòa Đa) – trấn Thuận Thành - vùng đất đầu tiên của Bình Thuận?

Đứng ở nghĩa địa cổ trên đồi cát đỏ bên hữu ngạn hạ lưu dòng sông Lũy, người viết chợt hồi tưởng lời thầy trụ trị chùa – đình làng Đông An (tạo lập vào thế kỷ 18, đã được trùng tu và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di tích quốc gia), có 4 gia đình cùng tùy tùng được triều Nguyễn điều vào vùng đất Parik khẩn hoang, lập ấp. Thế nhưng, chỉ thời gian ngắn có 2 người bị cọp “nhai”, đoàn này đành quay trở ra chịu nhận thất bại. Sau đó, triều Nguyễn điều 4 “gia đình” khác vào và hình thành vùng đất Phan Rí - Hòa Đa.

Dù chưa được chứng thực bằng phương pháp khoa học nhưng giai thoại không thể không có cơ sở. Nếu được làm rõ, lịch sử phía bắc Bình Thuận thêm dày giúp các thế hệ tiếp nối hiểu hơn công đức các bậc tiền nhân cũng như ứng xử phù hợp với mảnh đất còn ẩn chứa nhiều giá trị cả hữu lẫn vô hình …

HỮU QUANG