Phan Thiết, tàu đêm ga cũ

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:45, 23/06/2023

Lại một lần nữa trời đất chuyển mùa, để cho những chiếc lá vàng bồi hồi chuyển kiếp rơi rụng trên khắp mặt đường, vương ngang trên hè phố. Và những áng mây trời xa xăm cũng có dịp xuyến xao, dịu dàng tô điểm lại cho bầu trời xanh sau những mùa phiêu bạc.

Chúng ta đều biết, tất cả là dâu biển, là đổi thay để mang lại cho cuộc đời những niềm vui mới, những đích đến đẹp đẽ, huyền dịu hơn và cũng để cho cuộc sống có những động lực vươn tới những điều tốt đẹp hơn. Ai trong chúng ta cũng đều có cái cội nguồn tha thiết, nhưng chỉ vì những cái đa đoan của cuộc sống đã đẩy đưa đã làm cho chúng ta vội vàng quên lãng và có khi vô tình chối bỏ. Để rồi có khi lại ngơ ngác, loay hoay tìm lại những kỷ niệm ấm áp ngày xưa mỗi khi có dịp tìm về và nhìn lại. Từng mái nhà, từng góc phố, từng hàng cây. Con đường đi học ngày xưa, mà mỗi lúc đi học về phải dừng chân đứng chờ nơi cổng chắn để chờ cho xe lửa đi qua. Bên này là ga xe lửa, bên kia là khu vườn bông nhỏ. Phố xá đơn sơ, đường xưa nhỏ hẹp, nhưng sao nghe lòng mãi xốn xang mỗi độ tìm quay về.

ga.jpg

Trong những nơi tương đối có đông người, ồn ào dưới ánh đèn đêm nơi phố thị quê tôi ngày đó. Ngoài khu chợ trung tâm ngã bảy Phan Thiết, đến bến cảng Cồn Chà, còn lại chỉ là khu ga xe lửa. Hàng quán bán gần như suốt đêm, tàu đến tàu đi, người lên người xuống, hàng hóa đủ các loại, nông thủy hải sản của địa phương. Người đưa người đón, bịn rịn giao tình cả một sân ga. Có sự chia ly nào mà không thổn thức, có sự xa cách nào mà không mãi vấn vương. Những người con Phan Thiết xa quê, nay có dịp tìm về thăm đường xưa lối cũ, lòng miên man hoài niệm với những kỷ niệm ngày xưa, thời áo trắng ngây thơ cuốc bộ đến trường trung học. Hay lúc đã thành nhân chi mỹ, sau những lúc bộn bề của cuộc sống, có được những lúc khề khà hay trầm ngâm suy tưởng bên ly cà phê đặc quánh cùng những người bạn văn nghệ chi giao. Để rồi bây giờ cứ mỗi lần đi ngang đây lòng cứ rưng rưng nhớ lại. Lại phải dừng xe đi bộ trên đường, đến nơi gần chính giữa vườn hoa ngày trước có một ngôi nhà nhỏ mỗi sáng bày hàng bán cà phê. Để cho những người khách có dịp quan sát cả một khu vực sân ga xe lửa, lưu vào trong tâm thức mãi mãi không bao giờ quên. Bây giờ thì đường sá thênh thang, ga cũ không còn. Một con đường đại lộ thẳng tắp chạy nối dài từ dưới bãi biển Đồi Dương lên tiếp giáp với tuyến tránh Trường Chinh và ga xe lửa mới. Riêng tôi đứng đây mà ngơ ngẩn như còn thấy cái khu vực ga cũ ngày nào. Từng đầu máy xịt hơi kéo những đoàn tàu, từng tiếng còi hơi thét gọi trong đêm. Từng hàng cây góc phố, từng hàng quán đêm khuya. Từng đoàn khách ra vào khu cổng ga ngày đó, cùng nhiều những người gồng gánh bán buôn, mang xách hàng hóa từ những miền quê về phố chợ hay ngược lại về những miền quê.

Từ đường ga chính nơi bến ga xe lửa, còn có thêm một đường ray phụ chạy dài đến chùa Bình Quang, băng qua hai con đường Nguyễn Hoàng và Thủ Khoa Huân, cặp song song với đường Cao Thắng. Chỉ có hai chốt gác đơn sơ bằng những cây tre dài sơn hai màu đỏ trắng, kéo xuống đưa lên mỗi khi tàu qua lại nhận hàng ở cuối đường ray. Xe lửa ngày đó chạy đều đặn tuyến Mương Mán, Phan Thiết cả ngày lẫn đêm. Cứ đúng giờ là tàu chạy, không kể là có bao nhiêu khách, bởi chủ yếu là vận chuyển hàng đặc sản nước mắm, cá khô, muối hạt và phế phẩm phân xác mắm. Toa tàu khách chỉ có một hai toa với một số ít người buôn bán theo tàu hàng ngày, còn lại là khách đi xa được trung chuyển lên ga Mương Mán để sang tàu đường dài đi Sài Gòn hoặc Nha Trang. Tấm vé nhỏ đi tàu bằng giấy dày, rộng cỡ hai ngón tay, bấm lỗ trên vé khi qua khỏi cổng ga và lên tàu trình cho người soát vé. Có một kỷ niệm nhỏ cho lũ chúng tôi lúc còn đi học là vào ngày chủ nhật nghỉ học. Cả bọn năm bảy thằng hẹn rủ nhau đi dọc men theo đường tàu bên cạnh nhà dân, rồi canh tàu hú còi xịt hơi gần chạy thì thót lên toa. Trong lúc tàu đang chạy mà bọn chúng tôi thì còn nhỏ nên dù có bị soát vé chúng tôi cũng chẳng việc gì. Cùng lắm là nhận những lời cảnh báo từ mấy chú soát tàu với những răn đe là phải vào hẳn ngồi phía trong, không được ngồi nơi bậc thang lên xuống, hay ở hai đầu toa xe rất nguy hiểm. Cộng thêm những lời hỏi cho có lệ là đi đâu, làm gì, có vé không dù biết tỏng là bọn chúng tôi chẳng bao giờ có vé. Sáng 5 giờ tàu chạy xuống Phan Thiết, đúng 10 giờ tàu lại chạy lên, đến chiều 5 giờ tàu xuống lại, đến tối 9 giờ tàu lại chạy lên. Bọn tôi cứ canh đúng giờ tàu chạy mà rong chơi miệt mài ở hai bên bờ triền của dòng sông Mương Mán, với bạt ngàn là chuối, là mận, là khế, là ổi, là những trái đào tiên mọc xòa dưới đất. Tha hồ cho chúng tôi vừa mua vừa hái, chủ vườn cũng không muốn can ngăn chỉ dặn hờ là đừng trèo cây cao quá và đừng bẻ nhánh cành cây. Xin thêm gói muối cùng vài trái ớt, chúng tôi cởi áo gói tất cả các loại trái cây rồi mang tất cả ra bờ sông. Mùa này nước sông cạn, dưới những tán cây râm mát ven bờ, chúng tôi vừa thưởng thức vừa chơi đùa la hét vang cả một khúc sông. Trái cây vừa chín tới, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, chấm với muối ớt vừa nhai vừa nhăn mặt hít hà, tê rần hai vành lưỡi và môi. Ăn chán cả bọn lại ùm nhảy xuống sông, vừa tắm vừa mò những con trai nước ngọt đóng ken dày trong những kẻ đá ven bờ. Phía trên một chút là con đập tràn, còn trên cao nữa là cây cầu Móng của đường sắt bắt qua sông cho tàu chạy đến Sài Gòn. Vừa ăn chơi, vừa đùa vui tắm táp nhưng không quên ngó chừng trời chiều ngã vội bên sông. Lật những tấm áo quần phơi khô trên đá, nắng vừa nghiêng là chúng tôi đi vội lên ga cho kịp chuyến tàu chiều. Mấy toa tàu buổi sáng vẫn còn đó như chờ đợi chúng tôi, vọt lên toa xong hể hả kể lại cho nhau nghe những trò chơi tuổi thơ vừa mới trải qua, tính toán lần sau cho chủ nhật ngày hè. Ngồi trên tàu nhìn xuyên qua cửa, quê hương thanh bình trong trí nhớ của bọn trẻ chúng tôi qua những cánh đồng ruộng lúa và những vườn cây xanh mướt hai bên.

Theo tư liệu, đường sắt Biên Hòa - Tháp Chàm làm xong vào năm 1920, ga Phan Thiết cũng làm xong và có tuyến Phan Thiết nối vào ga Mương Mán của tuyến này. Đến năm 2006, tỉnh Bình Thuận liên kết mở tuyến Sài Gòn - Phan Thiết phục vụ cho du lịch. Đến ngày 16/4/2012 chính thức khánh thành ga mới Phan Thiết ở thôn Xuân Tài, xã Phong Nẫm. Ga cũ bị xóa bỏ và được thiết kế lại thành một trong những con đường đẹp nhất thành phố Phan Thiết hiện nay. Dù sao vẫn còn bao nỗi vấn vương với tàu đêm ga cũ.

Nguyễn bảo Khánh