Sầu riêng theo chuẩn VietGAP để liên kết chuỗi
Kinh tế - Ngày đăng : 05:44, 27/06/2023
Triển khai mô hình sầu riêng VietGAP
Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây sầu riêng mang lại, hơn hết khí hậu, thổ nhưỡng chứa hàm lượng đất đỏ ba zan ở địa phương rất hợp với cây ăn trái sầu riêng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Đa Kai đã mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng này từ nhiều năm nay cho thu nhập ổn định. Nhất là khi được xã thông tin mô hình “Thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP theo liên kết chuỗi” được Trung tâm Khuyến nông tỉnh (trung tâm) triển khai thí điểm trên địa bàn, không ít hộ trồng sầu riêng đã đăng ký nhằm học hỏi thêm cách trồng, chăm sóc cây sầu riêng theo hướng VietGAP cũng như tham gia vào liên kết sản xuất để loại trái đặc trưng này luôn có chất lượng cao, đầu ra vững chắc. Qua đó, trái sầu riêng Đa Kai dễ có điều kiện xâm nhập các thị trường khó tính nước ngoài, nâng cao thu nhập cho nhà vườn. 14 nhà vườn ở Đa Kai đã tham gia mô hình trên do Trung tâm Khuyến nông phối hợp xã triển khai từ tháng 8/2022 đến tháng 5/2023 cho kết quả khả quan, qua tổng kết mới đây mô hình này.
Qua tập huấn hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ kỹ thuật trung tâm, 14 hộ đã nắm vững quy trình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy thời gian qua, xã Đa Kai chịu thiệt hại do mưa lốc; điều kiện tuổi vườn khác nhau từ 4 – 12 năm tuổi, năng suất các hộ không đồng đều từ 5 - 25 tấn/ha, trung bình 15 tấn/ha. Với giá bán sầu riêng giống Ri6 55.000 – 62.000 đồng/kg, giống Thái Lan Monthong 75.0000 – 78.000 đồng/kg được HTX Thành Thành Công thu mua theo mô hình liên kết tiêu thụ trước đó, người trồng sầu riêng thu về từ 850 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng/ha. Trừ chi phí đầu tư khoảng 125 triệu đồng/ha, lợi nhuận cho nhà vườn trên 730 triệu đồng đến khoảng 1 tỷ đồng/ha cho 29 ha sầu riêng trong mô hình. “Nếu không bị thất thu do lốc bão, năng suất bình quân có thể đạt khoảng 20 tấn/ha, mức giá tối thiểu 57.000 đồng/kg thì cho doanh thu bình quân hơn 1,1 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân trên 1 tỷ đồng/ha”, một cán bộ trung tâm chia sẻ. Trước đó, trung tâm đã hỗ trợ 40% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 14 ha của 14 hộ tham gia mô hình.
Liên kết chuỗi tiêu thụ
Trung tâm Khuyến nông cho hay, Tổ liên kết sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP xã Đa Kai (bao gồm 14 hộ trên) được tổ chức chứng nhận FAO cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm trái tươi. Nhóm sản xuất này đang trong quá trình tiến hành đăng ký cấp mã số vùng trồng để mở rộng thị trường ra Trung Quốc. Các sản phẩm sầu riêng của Tổ liên kết được tích hợp hệ thống truy xuất thông tin điện tử giúp người tiêu dùng truy xuất, phân phối thông tin chính xác trước khi mua sản phẩm. Trong canh tác, các nhà vườn trong tổ đã tăng cường sử dụng các phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học vào sản xuất nhằm góp phần cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo chất lượng trái tươi an toàn. Tổ liên kết sản xuất sầu riêng an toàn tại địa phương đã chuyển từ cách trồng truyền thống sang sản xuất mới tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng, cơ sở thuận lợi bao tiêu sản phẩm cho các tổ hợp tác sản xuất theo VietGAP. Các doanh nghiệp tin tưởng hợp tác thu mua sầu riêng chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước. Được biết, huyện Đức Linh có diện tích khoảng 1.500 ha (lớn nhất toàn tỉnh), diện tích thu hoạch gần 1.000 ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha. Cây ăn trái này trồng nhiều ở 2 xã Đa Kai, Mê Pu. Hiện trên địa bàn có 3 đơn vị liên kết sản xuất lớn: Hợp tác xã Sầu riêng Rô Mô, thôn 10, xã Đa Kai; Tổ liên kết sản xuất sầu riêng VietGAP xã Đa Kai ở 3 thôn (7, 10, 11) trong xã; Tổ hợp tác sầu riêng Tà Pứa ở thôn 7, xã Mê Pu.
Mô hình “Thâm canh sầu riêng đạt chứng nhận VietGAP liên kết chuỗi” đang được Trung tâm Khuyến nông hướng tới mở rộng diện tích ở huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, nhân rộng trái cây đặc sản chất lượng cao, tăng thu nhập cho nhà vườn.