Từ những vụ TNGT đầu tiên trên cao tốc
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 09:52, 01/07/2023
Vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe tải và xe đầu kéo, xảy ra chiều 23/6 trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua huyện Hàm Tân, làm tài xế xe tải tử vong. Đây là vụ TNGT nghiêm trọng làm chết người đầu tiên kể từ khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác hôm 29/4. Dự án cao tốc này dài 99 km, quy mô 6 làn xe, đã khánh thành gần 2 tháng, nhưng nhiều hạng mục bảo đảm ATGT trên toàn tuyến vẫn chưa hoàn thiện, nhà thầu đang tiếp tục thi công.
Vụ TNGT tiếp theo xảy ra vào lúc rạng sáng ngày 24/6 trên cao tốc Nha Trang -Cam Lâm, giữa xe ô tô con và xe ô tô đầu kéo, làm 2 người tử vong, 3 người bị thương. Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km, quy mô 4 làn xe, mới khánh thành hôm 18/6. Tuy nhiên nhiều đoạn trên tuyến chưa được lắp camera giám sát hành trình, đang được chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện, nên một số tài xế chủ quan, chạy quá tốc độ cho phép.
Dư luận cũng đã lên án các hành vi đặc biệt nguy hiểm như: Đi lùi trên cao tốc, chạy ngược chiều trên cao tốc… xuất hiện vào những ngày đầu cao tốc thông xe. Việt Nam mới bắt đầu khai thác đường cao tốc từ năm 2010, nên có thể nói nhiều lái xe chưa có thói quen và ý thức tham gia giao thông trên cao tốc. Thậm chí có tài xế không hề biết các quy định tối thiểu của luật khi tham gia giao thông trên cao tốc.
Qua phân tích số liệu các vụ TNGT trên cao tốc (do Viện Chiến lược giao thông vận tải thực hiện) cho thấy: Nguyên nhân phần lớn do ý thức người điều khiển phương tiện (chiếm gần 60%), trong đó nhiều nhất là các lý do như: Không giữ khoảng cách an toàn; chạy vượt tốc độ cho phép; lái xe trong tình trạng ngủ gật; sử dụng làn, chuyển làn sai quy định…
Nguyên nhân tiếp theo là do phương tiện (khoảng 20%) chủ yếu như: Nổ lốp, chết máy, hỏng hệ thống điện…
Nguyên nhân do hạ tầng giao thông chiếm khoảng 1%, còn lại là do các nguyên nhân khác (20%).
Trong Bộ câu hỏi sát hạch lái xe (đã tăng lên thành 600 câu hỏi) đã bổ sung thêm nhiều câu hỏi về xử lý tình huống khi lái xe trên cao tốc. Ví dụ như: Việc giữ cự ly giữa các xe rất quan trọng, luật đã quy định rất cụ thể, nhưng vẫn còn một bộ phận lái xe chưa quen với điều khiển phương tiện trên đường cao tốc, không giữ cự ly, khoảng cách an toàn, chạy bám đuôi, nên nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Hay một hành vi nguy hiểm khá phổ biến nữa là, khi chạy trên cao tốc, làn ngoài cùng bên trái luôn dành cho các xe vượt, khi vượt xong phải trở về ngay làn bên phải. Nhưng một số phương tiện (kể cả xe khách, xe tải, xe container) khi vượt xong là đi luôn trên làn đường đó. Do tải trọng lớn, xe khách, xe tải, hay container thường đi chậm hơn xe con. Nhưng việc không nhường làn đó cho xe khác đi tốc độ cao hơn, dẫn tới tình huống xe tốc độ cao hơn phải vượt sang bên phải, nên nguy cơ xảy ra va chạm.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã hạn chế không cho xe khách và xe tải chạy vào làn đường sát dải phân cách, mà chỉ được chạy ở làn đường ngoài cùng (gần làn dừng khẩn cấp). Việt Nam có lẽ cũng nên nghiên cứu cách này.
Các tuyến cao tốc của đất nước đang vươn xa hơn, mục tiêu tới 2025 cả nước có khoảng 3.000 km cao tốc, tới 2030 có khoảng 5.000 km cao tốc. Hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại, nhưng ý thức người tham gia giao thông mới là yếu tố quyết định an toàn.