Quy định 85 -QĐ/TW: Liều thuốc “đề kháng” cho cán bộ, đảng viên trước thông tin xấu, độc

Chính trị - Ngày đăng : 05:31, 30/06/2023

Mỗi cán bộ, đảng viên cần sử dụng mạng xã hội (MXH) hiệu quả, an toàn, đồng thời góp phần chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực, đặc biệt là đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Quy định 85-QĐ/TW của Ban Bí thư sẽ nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng. Đây cũng là liều thuốc "đề kháng" hữu hiệu cho cán bộ, đảng viên trước thông tin xấu, độc.

hoi-nghi.jpg

Cẩn trọng trước những mặt trái của MXH

Mạng xã hội phát triển đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ đa dạng các nhu cầu của người dùng nói chung và của cán bộ, đảng viên nói riêng. Mỗi người có thể tự tìm kiếm trên mạng xã hội những thông tin phục vụ cho việc học tập, công việc, giải trí hoặc tương tác với những người thân… Theo thống kê của Bộ Thông tin – Truyền thông, tính đến quý I/2023, Việt Nam có hơn 70 triệu thuê bao internet, hơn 70 triệu tài khoản MXH, trong đó có hơn 66 triệu tài khoản Facebook, 60 triệu tài khoản YouTube và 50 triệu tài khoản TikTok. Đứng trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thời gian qua đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên thường xuyên tích cực tham gia tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua ở địa phương đồng thời chia sẻ trên mạng xã hội, Internet những việc hay, việc tốt, những gương điển hình trên mọi lĩnh vực. Nhiều cán bộ, đảng viên cũng đã chủ động đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng.

Đảng viên Nguyễn Kim Mạnh (Thành đoàn – TP. Phan Thiết) cho biết, bên cạnh việc hoàn thành công việc tại cơ quan, thì hàng ngày anh cũng dành một ít thời gian để theo dõi những thông tin từ các trang mạng xã hội. Anh cũng thường xuyên đăng tải những câu chuyện đẹp, những bài báo hay, những thông tin tích cực trên trang cá nhân của mình. Đặc biệt, khi tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, việc đầu tiên là anh phải kiểm chứng nguồn thông tin này xuất phát từ đâu, ai viết và đã được kiểm duyệt chưa. Khi nhận diện được những thông tin này là xấu, anh Mạnh đã đưa ra cảnh báo đối với bạn bè, người thân của mình. “Là một người đảng viên, đã được trang bị cơ bản về lý luận, nhận thức, do vậy đối diện những thông tin xấu, độc, bản thân tôi phải tìm hiểu thật kỹ để từ đó tiên phong, đi đầu phản biện lại chứ không trông chờ vào ai đó, hoặc cơ quan nào. Tôi nghĩ rằng, chỉ có như vậy mới đẩy lùi được những cái xấu, độc hại trên mạng xã hội hiện nay”, anh Mạnh chia sẻ.

Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên chưa nắm rõ và đầy đủ các quy định, từ đó có nguy cơ vi phạm khi tham gia mạng xã hội. Việc phát hiện, báo cáo, đề xuất với lãnh đạo biện pháp đấu tranh, xử lý đối với các thông tin xấu, độc còn hạn chế… Một số cán bộ, đảng viên thì thờ ơ hoặc không thể hiện quan điểm, chính kiến của mình đối với các vấn đề quan tâm dù thông tin đó là sai; khả năng phản bác thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch còn hạn chế. Cá biệt còn có một số ít cán bộ, đảng viên còn hưởng ứng, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, thông tin giả, sai sự thật...

Liều thuốc đề kháng hữu hiệu

Trước đó, vào năm 2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết 35 ra đời, đi vào cuộc sống đã tạo được bước ngoặt lớn trong công tác tuyên truyền, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuy nhiên vẫn còn gặp không ít những khó khăn.

Để tạo bước đột phá cho công tác tuyên truyền đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng, bảo vệ vững chắc tư tưởng của Đảng, Ban Bí thư Trung ương tiếp tục ban hành Quy định 85 -QĐ/TW về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, MXH. Có thể nói, Quy định 85 là quy định mới, được ban hành kịp thời. Quy định ra đời nhằm nâng cao hơn nữa, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Từ đó phát huy hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu trong việc thiết lập và sử dụng các trang thông tin điện tử cá nhân trên môi trường mạng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, có 6 nội dung cơ bản trong Quy định 85 mà các cấp ủy, tổ chức Đảng cần triển khai thực hiện, 7 nội dung cơ bản mỗi cán bộ, đảng viên cần chấp hành và 3 hành vi vi phạm Quy định 85 mà cán bộ, đảng viên cần tránh.

Để thực hiện tốt quy định này, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm quy định. Tăng cường hơn nữa việc quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên thuộc quyền trong việc sử dụng internet, mạng xã hội; kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm. Mặt khác, phải thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thực hiện nội quy, quy chế của cơ quan, các quy định về bảo vệ Bí mật nhà nước; động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tích cực khi tham gia mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.

Đối với cá nhân của mỗi đảng viên, cần phải tiếp tục thực hiện tốt việc thực hiện nêu gương; việc chấp hành quy định “những điều đảng viên không được làm”. Cán bộ, đảng viên là lãnh đạo phải tiêu biểu, gương mẫu, đồng thời nhắc nhở cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội phải văn hóa, văn minh; phải là nhân tố tích cực để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước. Tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền, lan tỏa các hình ảnh, thông tin tích cực như gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn… Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn trên mạng xã hội; phải tìm hiểu, nắm rõ thông tin, trước khi chia sẻ, đăng tải. Từ đó hình thành tác phong ứng xử văn minh trên mạng xã hội, góp phần tạo niềm tin, động lực tích cực trong cộng đồng.

“Nếu mỗi một cán bộ, đảng viên dùng smartphone, Facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, một video clip tốt, viết một bình luận tích cực, tìm kiếm một thông tin tốt đẹp, gửi đi thông điệp hay thì đã góp phần làm cho công tác tư tưởng tốt hơn”. Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từng nhắn nhủ.

Thanh nhàn