Nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển
Chính trị - Ngày đăng : 05:32, 06/07/2023
Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý hiện nay, Bình Thuận đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ ở các khâu trong công tác cán bộ. Đến nay, toàn tỉnh có 370 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 1.563 đồng chí thuộc Tỉnh ủy quản lý. Trong số 370 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nữ có 56 đồng chí (tỷ lệ 15,1%); người dân tộc thiểu số 3 đồng chí; đã kinh qua chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý ở đơn vị, địa phương khác trước khi bổ nhiệm giữ chức vụ ở cơ quan hiện tại là 108 đồng chí. Về trình độ chuyên môn: Tiến sĩ có 9 đồng chí (tỷ lệ 2,43%); thạc sĩ 119 đồng chí (tỷ lệ 32,16%); đại học có 242 đồng chí (tỷ lệ 65,4%). Đối với 1.563 cán bộ diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương quản lý, nữ có 363 đồng chí (tỷ lệ 23,22%), người dân tộc thiểu số 100 đồng chí (tỷ lệ 15,63%), đã kinh qua chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý ở đơn vị, địa phương khác trước khi bổ nhiệm giữ chức vụ ở cơ quan hiện tại là 400 đồng chí.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý trên địa bàn tỉnh đã được đào tạo cơ bản, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh quy định, cơ cấu về độ tuổi, nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số được quan tâm bố trí. Kết quả phân loại chất lượng qua nhận xét, đánh giá hầu hết cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thể hiện sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao ý thức trách nhiệm, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhìn tổng thể từ tỉnh đến cơ sở tuy cơ bản đảm bảo về số lượng nhưng chưa mạnh, còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Cụ thể như đối với ngành y tế thiếu bác sĩ điều trị một số chuyên khoa lẻ, nhân viên điều dưỡng; ngành giáo dục thiếu giáo viên bộ môn tiếng Anh, tin học, thể dục...
Ngoài ra, có một số cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp chưa thật sự gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Chưa xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nhân tài, tạo môi trường để cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác đánh giá, nhận xét, tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm còn diễn ra ở nhiều nơi. Số lượng biên chế được giao so với chức năng nhiệm vụ, khối lượng công việc đang gây áp lực đối với một số ngành, lĩnh vực, nhất là khối cơ quan hành chính. Xây dựng vị trí việc làm còn lúng túng, tiến độ triển khai còn chậm so với mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Thanh Nam – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thời gian tới đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Bình Thuận cần tăng cường thực hiện công tác luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết thay thế những vị trí lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, địa phương có biểu hiện sợ sai, sợ trách nhiệm, để công việc chậm trễ, để người dân, doanh nghiệp phản ánh nhiều việc tiêu cực, hiệu quả công việc không cao. Thực hiện tốt công tác lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ để trên cơ sở đó bố trí, sử dụng đúng, tránh thiếu sót, sai lầm, phát huy được mặt mạnh, hạn chế được mặt yếu đối với cán bộ hiện nay. Quán triệt cụ thể hóa kịp thời, đồng bộ các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác cán bộ; hoàn thành việc xây dựng ban hành quy định về cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài.
Đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, nhất là đối với các trường hợp cán bộ uy tín giảm sút, không còn động lực làm việc, năng lực yếu. Đồng thời, khuyến khích cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm theo Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung...